Những dấu son để lại, những viên gạch đã được dựng xây đã tạo nền móng cho Hà Nội ngày hôm nay đầy tiềm năng để trở thành một Thủ đô xứng tầm, có vị thế trong khu vực và thế giới.
Năm 1954, Hà Nội chuyển từ một thành phố tiêu thụ sang thành phố có chức năng sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng dân cư và ổn định, phát triển vai trò trung tâm hành chính, chính trị của cả nước. Khi đó, chất lượng cuộc sống của người dân nghèo sống trong các khu lao động như Phúc Xá, Yên Lãng… đã rất được quan tâm. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng xã hội mới bao gồm hệ thống trường học, trụ sở của các cơ quan công quyền được xây dựng đã tạo nên diện mạo mới cho thành phố. Vào thời điểm đó, Hà Nội có diện tích 154km2 với 36 vạn dân nội thành và 17 vạn dân ngoại thành.
Năm 1961, Hà Nội được điều chỉnh địa giới lên 586km2 với hơn 90 vạn dân. Lúc này, Hà Nội bắt đầu thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960 - 1965). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác quy hoạch của Thủ đô Hà Nội. Tháng 11/1959, Bác đã trực tiếp xem xét và góp ý cho đồ án quy hoạch Thủ đô. Trong quá trình xem xét nhìn nhận lại về vai trò và quy mô của Hà Nội, năm 1978, Hà Nội tiếp tục được mở rộng với diện tích 2.260km2 và 2,5 triệu dân.
Đường Vành đai 3 trên cao hoàn thành sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông cho Hà Nội. Ảnh: Việt Hùng
Năm 1981, quy hoạch xác định, Hà Nội là thành phố có tốc độ phát triển cao. Từ định hướng quy hoạch, các khu chức năng, khu ở, khu trung tâm, đặc biệt là các khu công nghiệp đã phát triển. Dấu ấn của quy hoạch thời kỳ này là tạo nên diện mạo thực sự của một đô thị. Những dấu ấn này còn hiện hữu cho đến ngày hôm nay suốt từ khu vực nội đô đến đường Vành đai 3. Quy hoạch còn chú trọng đến quỹ di sản, không gian xanh; hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, hệ thống đường vành đai, đường xuyên tâm… Năm 1991, Hà Nội đã trả lại diện tích 7 đơn vị cấp huyện đã sáp nhập trước đó, diện tích thành phố chỉ còn 924km2.
Nét nổi bật của quy hoạch thời kỳ này là phát triển phía Nam sông Hồng, lấy Hồ Tây làm khu vực trung tâm, phát triển mạnh về phía Đông và một phần phía Nam. Hà Nội tập trung phát triển khu vực nội đô. Chính vì vậy, thành phố đã phải đối diện với áp lực của sự quá tải. Năm 1998, Hà Nội lại có điều chỉnh về quy hoạch. Lần quy hoạch này đã để lại nhiều "dấu son" cho diện mạo đô thị. Đồ án xác định phát triển cả hai bên sông Hồng.
Đồng thời xác lập mối quan hệ với các tỉnh xung quanh vùng Thủ đô. Từ quy hoạch chung, Hà Nội đã phủ kín quy hoạch chi tiết với tỷ lệ 1/2000 và 1/5000. Các quy hoạch chuyên ngành như: Quy hoạch giao thông, giáo dục… được triển khai. Quy hoạch đã xác định được định hướng phát triển, từ đó làm cơ sở để kêu gọi phát triển đô thị mới. Qua 10 năm thực hiện quy hoạch 1998, diện mạo đô thị Hà Nội đã có nhiều đổi thay. Hà Nội có hơn 200 khu đô thị mới, hàng năm bình quân có hơn 1 triệu mét vuông sàn nhà ở được xây mới.
Cùng với đó, công tác bảo tồn, nhận diện di sản, các khu vực đặc trưng như Cổ Loa, Hồ Tây, phố cổ, Hồ Gươm… cũng được quan tâm với những đồ án quy hoạch chi tiết, định hướng cụ thể. Bên cạnh những thành công, quy hoạch 1998 cũng đã đặt Hà Nội trước những áp lực không nhỏ về dân số và môi trường. Quy hoạch xác định phải giảm dân số từ 96 vạn dân xuống còn 80 vạn nhưng thực tế lại tăng lên 1,2 triệu dân. Các khu tập thể, chung cư cũ trong nội đô xuống cấp. Hạ tầng kỹ thuật đầu mối như xử lý rác thải, nghĩa trang… chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Trước thực tế đó, năm 2008 việc mở rộng địa giới Thủ đô đã được Quốc hội thông qua. Sau hơn 2 năm nghiên cứu và lấy ý kiến rộng rãi, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 vào tháng 7/2011. Gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung lần này được đánh giá là bước đột phá lớn, chứa đựng tiềm năng phát triển mới. Với diện tích 3.344km2, Hà Nội có một quỹ đất lớn để phát triển.
Cùng với lợi thế về đất đai, Hà Nội có lực lượng lao động trẻ và có một quỹ di sản phong phú mà không phải Thủ đô nào trên thế giới cũng có được. Thách thức đặt ra cho Hà Nội hiện nay, tuy cấu trúc chùm đô thị là hợp lý, song chính cấu trúc này đòi hỏi về vấn đề hạ tầng kỹ thuật khung rất lớn nhằm tạo ra mối liên kết. Thách thức lớn hơn cả đó là việc kiểm soát dân số.
Theo quy hoạch, đến năm 2030 Hà Nội có tối đa là 9,2 triệu dân. Để đạt được những tiêu chí của quy hoạch cần có cơ chế đặc thù cho Hà Nội bởi tốc độ tăng dân số của thành phố đang từ 2 - 2,2%, riêng khu vực nội đô lên đến 4,7%. Đây cũng là vấn đề đang được quan tâm trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô.
Cùng với đó là trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát huy quỹ di tích, các khu vực đặc trưng và làng nghề truyền thống. Qua nhiều lần điều chỉnh quy hoạch chung và điều chỉnh cục bộ, có quy hoạch thành công, nhưng cũng có quy hoạch còn thiếu tầm nhìn, tuy nhiên không thể phủ nhận những thành tựu hôm nay của Hà Nội có sự đóng góp không nhỏ của công tác quy hoạch. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 là một đồ án đồ sộ, quy mô nhất từ trước đến nay.
Quy hoạch này tạo ra cơ hội cho Hà Nội thực hiện những mong muốn trước đây không có điều kiện thực hiện và cũng là cơ hội để Thủ đô vươn lên một tầm cao mới. Song cùng với đó, những thách thức, những vấn đề phức tạp của một đô thị lớn cũng đang đặt ra.
Trong điều kiện công tác quy hoạch được các cấp, các ngành quan tâm đặc biệt; Luật Thủ đô đang soạn thảo để trình Quốc hội đang đưa ra nhiều cơ chế đặc thù cho Hà Nội... và trên cơ sở thực hiện mục tiêu "Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", quy hoạch chung lần này được kỳ vọng sẽ góp phần tạo nên những "dấu son" mới, những bước phát triển đột phá cho Thủ đô.