Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn biển

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Với chủ đề "Khu bảo tồn biển với việc phát triển bền vững tài nguyên môi trường biển, hải đảo", Diễn đàn Thương hiệu biển Việt Nam lần thứ V do BộTN&MT và UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức, đã diễn ra ngày 7/6. Đây là một trong những hoạt động chính của Tuần lễ Biển & Hải đảo Việt Nam năm 2013.

Giàu tiềm năng

Vùng biển Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa với sự khác biệt đáng kể về khí hậu giữa các vùng biển và những đặc trưng hoàn lưu, rất thuận lợi để hình thành những khu hệ động thực vật có tính đa dạng sinh học cao. Với tiềm năng lớn về biển, hải đảo, Việt Nam là quốc gia có diện tích mặt biển trên 1 triệu kilômét vuông, bờ biển dài hơn 3.200 km, 3.000 đảo lớn nhỏ và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đến nay, trong vùng biển nước ta đã phát hiện được khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau. Các hệ sinh thái đặc thù có giá trị kinh tế, giá trị bảo tồn được ghi nhận, góp phần đưa nước ta trở thành một trong những trung tâm đa dạng sinh học của thế giới. 

Quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn biển - Ảnh 1

Vịnh Hạ Long

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển cho rằng, hệ sinh thái biển hiện đang có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt đối với các khu biển ven bờ. Nguyên nhân chủ yếu là do sự khai thác quá mức, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng. Sự suy giảm hệ sinh thái biển có những tác động không nhỏ đến kế hoạch phát triển kinh tế đất nước cũng như nguồn sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển. Mất hệ sinh thái này, trữ lượng tài nguyên biển sẽ suy giảm nghiêm trọng. Vì vậy, việc xây dựng các khu bảo tồn ở nước ta nhằm phục vụ bảo vệ đa dạng sinh học nói chung, bảo vệ sinh thái biển nói riêng là chiến lược của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2020.

Xây dựng các khu bảo tồn

Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2020 chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (2010 - 2015): Thiết lập và đưa vào hoạt động 16 khu bảo tồn biển. Đến năm 2015, ít nhất 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam nằm trong các khu bảo tồn biển và khoảng 30% diện tích của từng khu bảo tồn biển được bảo vệ nghiêm ngặt. Giai đoạn 2 (2016 - 2020): Nghiên cứu, đề xuất quy hoạch phát triển mở rộng hệ thống khu bảo tồn. Điều tra, khảo sát, thiết lập và đưa vào hoạt động một số khu bảo tồn mới.

Ông Chu Phạm Ngọc Hiển - Thứ trưởng BộTN&MT

Theo ông Phạm Quang Mỵ, Phó Văn phòng Tổng cục Biển & Hải đảo Việt Nam, thương hiệu biển có mối quan hệ mật thiết với bảo tồn biển. Bảo tồn biển tạo ra sự đa dạng của sản vật, sản phẩm biển, là tiền đề để xây dựng và phát triển thương hiệu biển. Thương hiệu biển được khẳng định sẽ góp phần quảng bá hình ảnh các địa danh biển, trong đó có các khu bảo tồn biển, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động bảo tồn biển. Thực hiện tốt công tác bảo tồn biển sẽ góp phần phát triển thương hiệu biển, phát triển bền vững tài nguyên và môi trường biển, đảo.

Giải pháp xây dựng và quản lý các khu bảo tồn biển Việt Nam, theo ông Đoàn Quang Sinh, Giám đốc Trung tâm đào tạo & Truyền thông biển, hải đảo, Tổng cục Biển & Hải đảo Việt Nam, cần nhanh chóng hoàn thiện và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về việc xây dựng và quản lý các khu bảo tồn biển Việt Nam. Nâng cao công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhận thức về bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học; huy động cộng đồng tham gia vào việc bảo vệ phát triển các khu bảo tồn. Bên cạnh đó, cần có cơ chế đảm bảo cho sự phối hợp hoạt động thường xuyên giữa ban quản lý khu bảo tồn với chính quyền địa phương; đề xuất các kiến nghị với các cấp có thẩm quyền trong quá trình quản lý, thực hiện công việc đang diễn ra tại khu bảo tồn biển.Cùng ngày, Bộ TN&MT và UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Diễn đàn kinh tế biển Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề "Phát triển kinh tế biển xanh: Triển vọng và thách thức".