Yêu cầu từ thực tiễnTính đến tháng 7/2021, dân số Hà Nội vượt ngưỡng 8 triệu người, trung bình mỗi năm dân số Thủ đô tăng khoảng 200 nghìn người. Theo số liệu của Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, tại Thủ đô hiện có khoảng 7,6 triệu phương tiện các loại, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên lưu thông trên địa bàn Hà Nội. Trong khi đó, tỷ lệ tăng trưởng diện tích dành cho giao thông chưa theo kịp tốc độ gia tăng của phương tiện dẫn đến quá tải hạ tầng đô thị, ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí... Để giải quyết thực trạng này, một trong những giải pháp quan trọng là phải xây dựng được hệ thống giao thông ngầm, thậm chí là những khu đô thị dưới lòng đất.
Trên thực tế, từ năm 1996, một số công trình trung tâm thương mại, khách sạn tại Hà Nội đã bắt đầu xây dựng từ 2 - 4 tầng hầm. Từ những năm 2000, để giảm ùn tắc Hà Nội đã xây dựng một số công trình nút giao thông ngầm như hầm ngầm Kim Liên, hầm chui Thanh Xuân, hầm chui Trung Hòa. Bên cạnh đó, TP cũng đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm như đường cống thoát nước, đường điện, nước... Đáng chú ý, cuối năm 2020, một công trình nhà ở riêng lẻ tại quận Ba Đình có diện tích khoảng hơn 300m2 nhưng đã xây dựng tới 4 tầng hầm.Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, đã đến lúc không gian ngầm trở thành một vấn đề quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển đô thị. Hà Nội cần xem xét chú trọng đẩy mạnh công tác quy hoạch ngầm để phát triển một cách bài bản, liên kết đồng bộ cho toàn đô thị, tránh tình trạng phát triển cục bộ từng công trình, mạnh ai nấy đào.Sớm cụ thể hóa các công trình ngầmTheo Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh, về định hướng quy hoạch không gian ngầm khu vực đô thị trung tâm, các đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg (gọi tắt là QHC1259) và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2016, mới dừng ở mức độ đề xuất các nguyên tắc, chưa đề xuất cụ thể về mức độ, quy mô, phạm vi.Bên cạnh đó, chưa lồng ghép được các khuyến nghị, kết quả nghiên cứu, chưa gắn kết được với nội dung quy hoạch sử dụng đất, không gian ngầm. Do đó, trong quá trình triển khai điều chỉnh tổng thể QHC1259 tới đây sẽ đề xuất cụ thể các vị trí, khu vực, phạm vi triển khai mô hình TOD, không gian ngầm chính của Thủ đô, đi kèm với việc đề xuất các giải pháp quy hoạch sử dụng đất, không gian đô thị đồng bộ.Cụ thể hóa QHC1259 được duyệt, năm 2015, UBND TP đã có Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã triển khai lập quy hoạch đến nay đồ án đã hoàn chỉnh, được Sở QH-KT tổ chức thẩm định, hiện đang trình UBND TP xem xét phê duyệt trong thời gian tới đây.Theo quy hoạch, các tuyến giao thông đường bộ ngầm chủ yếu bố trí tại các nút giao thông khác mức, các quảng trường (quảng trường sân vận động quốc gia Mỹ Đình...), các khu vực công trình đầu mối đường sắt quốc gia (khu vực ga Hà Nội, ga Ngọc Hồi...). Bên cạnh đó, mạng lưới đường sắt đô thị ngầm gồm: các tuyến số 2, số 3, số 4, số 5 và số 8 xây dựng kết hợp giữa đi trên cao, trên mặt đất và đi ngầm với tổng chiều dài xây dựng ngầm khoảng 68,5km trong phạm vi khu vực nội đô và 61 ga ngầm trên các tuyến… Đáng chú ý, quy hoạch các bãi đỗ xe công cộng ngầm bố trí tại khu vực 9 quận trung tâm với 79 địa điểm, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 107,03ha, công trình xây dựng từ 3 - 4 tầng hầm (tối đa đến 5 tầng hầm đỗ xe và cho phép bố trí kết hợp với các chức năng thương mại dịch vụ).Về không gian công cộng ngầm, trên cơ sở định hướng quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị, xác định các ga ngầm là hạt nhân để hình thành không gian công cộng ngầm xung quanh bán kính 500m. Theo đó, xác định được 39 vị trí có tiềm năng hình thành các khu vực phát triển không gian công cộng xây dựng ngầm từ Vành đai 3 vào trung tâm TP. Ngoài ra, khu vực nằm ngoài phạm vi 500m từ đầu mối giao thông công cộng, các khu vực hiện hữu có nhu cầu xây dựng lại như khu tập thể cũ, các khu vực phải di dời ra khỏi nội đô… là những khu vực khuyến khích xây dựng tầng hầm để sử dụng đất hiệu quả. Tổng số có 65 khu vực khuyến khích hình thành không gian công cộng ngầm với tổng quy mô diện tích khoảng 2.171ha.Với những định hướng rõ nét hơn trong điều chỉnh quy hoạch xây dựng Thủ đô lần này, cùng với việc đồ án Quy hoạch không gian ngầm trung tâm TP Hà Nội sớm được phê duyệt sẽ làm cơ sở cho việc triển khai xây dựng, cụ thể hóa các không gian ngầm của Hà Nội.
"Việc phát triển không gian ngầm gồm hai khía cạnh là không gian công cộng ngầm và hệ thống giao thông công cộng ngầm, nếu làm tốt sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề của đô thị. Tuy nhiên, hiện cả hai khía cạnh này trong phát triển không gian ngầm ở Hà Nội mới đang ở bước đầu, còn rất khiêm tốn. Nếu không sớm có quy hoạch, khi triển khai hệ thống giao thông ngầm sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trong đó mắc đầu tiên là tầng hầm của những ngôi nhà cao tầng đã và đang được xây dựng. Khi đó các tuyến giao thông ngầm sẽ phải đi vòng gây tốn kém, thậm chí gây tranh cãi như trường hợp ga ngầm C9 gần bờ hồ Hoàn Kiếm là một ví dụ." - Nguyên Trưởng khoa Kiến trúc & Quy hoạch (trường Đại học xây dựng Hà Nội), PGS.TS Phạm Hùng Cường |