Theo thống kê, hiện trong tổng số 204.097 công nhân lao động ngành xây dựng thì số có trình độ cao đẳng nghề chiếm tỷ lệ rất thấp; số lượng công nhân có tay nghề bậc cao (bậc 5, 6, 7 và vượt khung) chỉ khoảng 34.373 người chiếm 16,84%; thợ bậc 1, 2 và lao động phổ thông còn chiếm tỉ lệ cao.
Với tính chất và đặc điểm riêng, việc xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành xây dựng giai đoạn 2011-2020 là cấp bách.
Mục tiêu cụ thể của quy hoạch là, nhân lực ngành Xây dựng tăng từ 2,9 triệu người năm 2010 lên khoảng 5 triệu năm 2015 và khoảng 8 - 9 triệu người năm 2020; tỷ lệ nhân lực qua đào tạo tăng từ mức 41% năm 2010 lên khoảng 60% năm 2015 và khoảng 65% năm 2020.
Trong đó, bậc đào tạo nghề chiếm khoảng 68,5% năm 2015 và khoảng 68% năm 2020, bậc trung cấp chuyên nghiệp chiếm khoảng 25% năm 2015 và khoảng 24% năm 2020; bậc cao đẳng chiếm khoảng 2% năm 2015 và khoảng 3% năm 2020, bậc đại học và trên đại học chiếm khoảng 4,5% năm 2015 và khoảng 5% năm 2020.
Riêng đối với đào tạo bậc đại học, mục tiêu đề ra đến năm 2020 toàn ngành có khoảng 5.500 người đạt trình độ sau đại học và trên đại học, khoảng 200.000 người có trình độ đại học và khoảng 124.000 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp.
Bộ Xây dựng sẽ tập trung thực hiện 9 đề án ưu tiên gồm: Quy hoạch mạng lưới các trường đào tạo thuộc ngành; Xây dựng cơ sở vật chất và phát triển đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề ngắn hạn; Xây dựng đội ngũ giáo viên; Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức đương nhiệm về chuyên môn, nghiệp vụ; Đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý Xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp; Đổi mới công tác tuyển dụng, chế độ chính sách đối với người lao động trong ngành; Đào tạo đội ngũ cán cán bộ tư vấn làm chủ được công nghệ mới; Xây dựng được đội ngũ cán bộ đầu đàn trong các lĩnh vực; Đào tạo lại cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp.