Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng nền kinh tế của tỉnh Nam Định có bước phát triển nhanh, bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trọng tâm là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Phát triển thành phố Nam Định trở thành trung tâm của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng.
|
Đến năm 2020, Nam Định có trình độ phát triển ở mức trung bình khá và đến năm 2030 đạt mức phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Tốc độ tăng trưởng bình quân thời kỳ 2011-2020 khoảng 13,3%/năm, trong đó giai đoạn 2011-2015 là 13%/năm và giai đoạn 2016-2020 đạt 13,5%/năm.
Đến năm 2015, cơ cấu kinh tế các ngành nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ tương ứng là 26,0%, 39,5% và 34,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 39-40 triệu đồng.
Phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hoá
Về định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, Nam Định sẽ phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hoá, chất lượng cao, bền vững. Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nông sản. Phát huy lợi thế các tiểu vùng sinh thái (vùng đồng bằng ven sông, vùng ven biển) để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các cánh đồng mẫu lớn quy mô từ 30-50 ha, khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với hệ thống chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.
Ổn định diện tích canh tác lúa khoảng 75.000 ha; hình thành các vùng sản xuất rau màu tập trung; có giải pháp dồn điền đổi thửa để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế trang trại; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của tỉnh.
Tiếp tục phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại tập trung gắn với chế biến tạo ra các sản phẩm chất lượng cao đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; phấn đấu tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành Nông nghiệp tăng dần từ 41,2% (năm 2015) lên 46,6% (năm 2020).
Ưu tiên phát triển sản phẩm công nghiệp có thị trường tương đối ổn định
Về công nghiệp, nâng cao chất lượng xúc tiến đầu tư, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thu hút được các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, thân thiện môi trường tạo bước đột phá trong phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phấn đấu tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp thời kỳ 2011-2020 đạt 17,6%/năm, thời kỳ 2021-2030 đạt 13,5%/năm.
Bên cạnh đó, tập trung đầu tư hình thành một số ngành, sản phẩm chủ lực của địa phương có khả năng cạnh tranh trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao như đóng tàu, trung tâm điện lực, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất dược liệu, cơ khí chế tạo, ô tô, xe máy, điện tử-tin học...
Ưu tiên phát triển các sản phẩm công nghiệp có thị trường tương đối ổn định, hiệu quả cao, các ngành công nghiệp có thế mạnh về nguồn nguyên liệu (công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm), lao động (dệt may, da giày...); tăng cường đầu tư chiều sâu, đổi mới trang bị công nghệ hiện đại, thiết bị đồng bộ; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển công nghiệp, đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư.
Nâng cấp 2 thị trấn lên thị xã
Cũng theo Quyết định, phát triển thành phố Nam Định trở thành trung tâm của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng. Nâng cấp thị trấn Quất Lâm lên thị xã giai đoạn 2013-2015, thị trấn Thịnh Long lên thị xã trong giai đoạn 2016-2020 và tiến tới thành lập thành phố Thịnh Long. Đẩy mạnh tốc độ đô thị hoá của tỉnh, mở rộng các đô thị hiện có và xây dựng đô thị mới, khu đô thị mới gắn với phát triển các khu công nghiệp, đầu mối giao thông, các trung tâm thương mại, dịch vụ.
Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh; đến năm 2015 cơ bản hoàn thành xây dựng 96 xã đạt tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2013-2015; tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới cho 113 xã còn lại trong giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn trong vùng theo hướng đẩy mạnh phát triển dịch vụ, ngành nghề, gắn với việc tổ chức tiêu thụ hàng hoá cho nông dân; từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.