Kinhtedothi - “Chính phủ vừa phê duyệt xây mới 6 tượng đài Hồ Chí Minh. So với 58 đề xuất của các địa phương, quá trình chọn lọc từ Bộ VHTT&DL đến Chính phủ đã giảm thiểu tối đa những trường hợp chưa đủ điều kiện hoặc chưa phù hợp” – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm Vi Kiến Thành cho biết, sau một thời gian chờ quyết định chính thức của Chính phủ về quy hoạch tượng đài Hồ Chí Minh. Giảm số lượng để tăng chất lượng Trước khi hoàn thành dự thảo Quy hoạch tượng đài Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Bộ VHTT&DL đã tiến hành khảo sát thực tế số lượng tượng đài Bác Hồ hiện có. Những con số như: Cả nước có 103 bức tượng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó 45 tượng Bác Hồ với Bộ đội biên phòng được nhân bản từ một mẫu đặt ở khuôn viên 45 đơn vị bộ đội biên phòng, các địa phương đề xuất xây dựng thêm 58 tượng đài… không khỏi khiến dư luận giật mình.
Tại các địa phương như Thái Bình, Bắc Ninh, đề xuất xây tượng đài về kỷ niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với người nông dân hoặc là nơi Người từng đặt chân đến. Bên cạnh đó 13 đơn vị trại giam cũng đề xuất dựng tượng mà không nằm trong tiêu chí được dựng. Có lẽ vì vậy, 6 tượng đài là con số Chính phủ phê duyệt để phù hợp với điều kiện hiện nay. Các địa phương được xây dựng bao gồm: Sơn La, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Bình, Bình Định và Kiên Giang. Tuy nhiên, chốt ở con số 6 tượng đài xây mới, giới chuyên ngành lẫn người dân vẫn chưa khỏi lo lắng về chất lượng nghệ thuật của các công trình trong tương lai. “Chất lượng bức tượng phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ tác giả và hội đồng nghệ thuật địa phương, song phải thừa nhận hai lực lượng này đang gặp rất nhiều vấn đề về năng lực. Hơn nữa, nhiều tác giả và địa phương rụt rè sáng tạo, chọn phương án sáng tác tả thực để được lựa chọn” – Cục trưởng Vi Kiến Thành chia sẻ. Loay hoay tượng to, tượng nhỏ Ngoài việc duyệt phương án xây mới 6 tượng đài Hồ Chí Minh tại 6 địa phương của Bộ VHTT&DL, Chính phủ cũng đề nghị Bộ VHTT&DL thực hiện quy hoạch tượng đài Bác Hồ quy mô nhỏ tại những khuôn viên các công trình, trụ sở trên cả nước. Hưởng ứng chủ trương này, Cục trưởng Vi Kiến Thành bày tỏ sự đồng tình với quan điểm mà dư luận từng nhắc tới: Khái niệm tượng đài đẹp và tượng đài to, không phải bao giờ cũng trùng nhau. Trước thực tế rất nhiều công trình tượng ở Việt Nam được dựng lên hoành tráng. PGS.TS Nguyễn Văn Huy – nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tỏ ra phiền lòng về những tượng đài liệt sĩ hay tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng choán không gian của TP Thái Nguyên hoặc quả đồi tại Quảng Nam. PGS Huy nhắc tới những bài học tượng đài kỷ niệm nạn nhân 11/9 tại khu vực hai tòa tháp đôi cũ (Ground Zero) của Mỹ. Đài tưởng niệm không khô khan, mà còn thể hiện được giây phút cận kề cái chết các gia đình sát bên nhau. Và ở Việt Nam, tượng đài Lê Nin tại vườn hoa Paster được xây dựng từ những năm 50 của thế kỷ trước giờ vẫn là không gian hấp dẫn với người dân Thủ đô. “Tư tưởng tượng đài của chúng ta hiện nay đang loay hoay ở khoảng giai đoạn 1940 – 1950 là to, là hoành tráng. Trong khi đó, châu Âu, Bắc Mỹ, nhiều nước Đông Á đã vượt qua giai đoạn đó từ lâu. Nên ở nước ngoài có nhiều tượng đài đẹp hơn ta, dù số lượng tượng đài của họ dựng lên ít hơn” - PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh. Rất nhiều chuyên gia đề xuất, để giảm thiểu tư tưởng chạy đua làm tượng đài hoành tráng, dựng nhiều tượng đài, Việt Nam cần làm một cuộc “kiểm toán tinh thần” để xem những bức tượng đài hiện nay có bao nhiêu người tới xem, bao nhiêu người xúc động và ấn tượng, bao nhiêu người trở lại ngắm tượng đài lần thứ hai. Nếu có, chúng ta sẽ thấy được hiệu quả của những tượng đài đang tồn tại để điều chỉnh quy hoạch trong tương lai.
Tượng đài Mẹ Thứ tại Quảng Nam. |