Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam: Chưa đủ sức răn đe

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trước hàng loạt vụ "lùm xùm" trong hoạt động nhiếp ảnh thời gian gần đây, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam đã ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, "nhắm" vào việc nâng cao ý thức cho các hội viên.

Dù quy định cả về chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực ứng xử, lẫn những chế tài xử phạt vi phạm, song người ta vẫn băn khoăn về "sức mạnh" thật của bộ quy tắc này?
 
Liên tiếp vi phạm

Hàng loạt vụ tranh chấp bản quyền, "đạo" ảnh, "đạo" ý tưởng ảnh diễn ra thời gian gần đây cho thấy, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực nhiếp ảnh ngày càng nhiều. Các hình thức vi phạm mang nhiều cảm tính như: Cho ảnh, nhờ bấm máy, dùng ảnh không xin phép tác giả... Vụ vi phạm bản quyền, tranh chấp kiện tụng về ảnh "om" lên trong dư luận hồi tháng 5 vừa rồi là trường hợp vi phạm tác quyền của bức ảnh đoạt huy chương Vàng (HCV) Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung Bộ 2013. Tác phẩm có tên "Lễ hội khất thực Huyền Không", đề tên tác giả Đỗ Văn Tri (Hội viên Hội NSNA Thừa Thiên Huế). Tuy nhiên, ông Tri đã bị tước bỏ HCV vì bức ảnh này là do ông Nguyễn Xuân Hữu Tâm bấm máy từ máy ảnh của ông Nguyễn Hữu Tài, nhưng ông Tài lại cho ông Tri sử dụng bức ảnh trên.  Một tháng sau, tác phẩm "Những bàn tay làm ra ánh sáng", đoạt giải Nhất cuộc thi ảnh "Đẹp và chưa đẹp trong cuộc sống thường nhật" đề tên tác giả Nguyễn Tất Lộc cũng bị tước HCV. Bởi, ông Ngụy Hoàng Sơn - Phó Chánh Văn phòng phụ trách truyền thông của Tổng Công ty lắp máy Việt Nam mới là người chụp bức ảnh này. Đầu tháng 7 này, tác giả Nguyễn Kim Tuấn cũng phải mang trả BTC cuộc thi ảnh "Phú Yên - Đất nước - Con người năm 2012" Bằng chứng nhận giải Nhì và 1,5 triệu đồng tiền thưởng. Bởi, ông Tuấn đã ghép các bức ảnh chụp cảnh sản xuất kẹo mè ở Phú Yên và Quảng Ngãi với nhau để cho ra một tác phẩm hoàn hảo.

Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam: Chưa đủ sức răn đe - Ảnh 1

Tác phẩm "Lễ hội khất thực Huyền Không" đã gây nhiều tranh cãi về bản quyền tác giả.

Thực tế, vi phạm tác quyền ảnh không phải đến năm nay mới xuất hiện, mà như chia sẻ của NSNA Lê Hồng Linh - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Hội NSNA Việt Nam: "Trước đây, từng có trường hợp bức tranh cổ động "Tất cả trẻ em nghèo được học" của tác giả Chu Ngọc Thăng sao chép từ bức ảnh "Lớp học vùng cao" của tôi"...

Vẫn hy vọng

Rõ ràng, những việc làm trên không chỉ đơn thuần là vi phạm quy định của các "cuộc chơi" nhiếp ảnh, mà còn gióng giả vấn đề đạo đức của giới nhiếp ảnh. Thế nhưng, như NSNA Phạm Hùng Cường chia sẻ: "Sau mỗi sai phạm, các tác giả vi phạm chỉ đơn giản bị thu hồi giải, hoàn trả lại số tiền cho BTC nên không đủ sức răn đe". Có lẽ vì thế, Hội NSNA Việt Nam đã ban hành "Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của hội viên" nhằm nâng cao ý thức của người làm nghề.

Ủng hộ việc làm của Hội NSNA Việt Nam, song không ít người vẫn băn khoăn, bởi bộ quy tắc chưa đưa ra được một hình thức xử phạt thực sự khiến giới làm nghề phải… ngại. Trong 5 chương, 18 điều của quy tắc, có phần dành cho những quy định chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực ứng xử đối với hội viên và có cả phần dành cho chế tài xử phạt nếu hội viên vi phạm. Tuy nhiên, "Những quy tắc đạo đức này có tính giáo dục nhiều hơn răn đe. Quan trọng nhất vẫn là ý thức của hội viên" - ông Vũ Quốc Khánh nói. Và ở đó, Hội không xử phạt hành chính mà chỉ tước bỏ danh hiệu, giải thưởng (nếu đã trao). Hình thức kỷ luật cao nhất là khai trừ khỏi Hội.

Như vậy, xem ra "vòng cương tỏa" đối với các hình thức vi phạm trước và sau khi có bộ quy tắc, cũng chẳng khác nhau là bao. Dẫu vậy, người yêu nhiếp ảnh vẫn mong đợi một sự đổi thay từ việc "đánh" vào đạo đức người làm nghề là: Khai trừ khỏi Hội. Và từ việc trang bị kiến thức pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm cho các hội viên mà bộ quy tắc hướng đến, hy vọng sẽ góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp cho hoạt động nhiếp ảnh trong nước.