Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy trình ngược?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền có liên quan do Cục Bản quyền tác giả soạn thảo, đang trong quá trình xin ý kiến góp ý. Cho dù vi phạm bản quyền đang là một "vấn nạn", nhưng để ra được những văn bản xử phạt có tính khả thi vẫn còn nhiều vấn đề tranh cãi.

Xâm phạm... đến báo động

Trong những năm qua, nạn xâm phạm bản quyền diễn ra khá mạnh, nhất là trong lĩnh vực bản quyền sách, âm nhạc, phần mềm máy tính. Theo cuộc điều tra xã hội học của Giám đốc Công ty sách Thái Hà Nguyễn Mạnh Hùng, có đến 98 trong số 116 người được hỏi chấp nhận mua sách in lậu vì được chiết khấu cao.

Trong lĩnh vực âm nhạc, sau 10 năm đấu tranh với nạn xâm phạm bản quyền âm nhạc, đến nay, Trung tâm bảo hộ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) cũng mới đòi được 10% quyền lợi mà đáng lẽ các nhạc sĩ Việt được hưởng. "Thực tế là nhận thức trách nhiệm, sự tự giác tuân thủ luật pháp của các cá nhân, xã hội chưa cao, tính hiệu quả thực thi luật pháp đối với công dân chưa phải là mạnh" - ông Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC chia sẻ.
 
Quy trình ngược? - Ảnh 1
 
Sách lậu là một trong những lĩnh vực bị xâm phạm bản quyền phổ biến nhất tại Việt Nam.
 

Ngoài ra, Việt Nam cũng đứng đầu về nạn xâm phạm bản quyền phần mềm. Theo đánh giá của một tổ chức tác quyền tại Mỹ, ở lĩnh vực phần mềm máy tính, mức độ vi phạm bản quyền của nước ta lên tới 80% các trường hợp sử dụng máy tính...

Giảm mức phạt

Để những đối tượng xâm phạm bản quyền tác giả, quyền có liên quan không "nhờn" luật, Bộ VHTT&DL đã giao Cục Bản quyền tác giả xây dựng Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.

Dự thảo được xây dựng dựa trên việc hoàn thiện, khắc phục những vấn đề còn tồn tại, hạn chế về quy định xử phạt hành chính văn hóa ở Nghị định số 47/2009/NĐ-CP và Nghị định số 109/2011/NĐ-CP.Điều đáng chú ý, mức phạt tiền với tổ chức vi phạm vẫn giữ nguyên, nhưng mức phạt tiền đối với cá nhân chỉ còn 1/2 mức phạt tại 2 Nghị định trước đây.

Trước đó, các sai phạm trong lĩnh vực bản quyền được xử lý theo 2 Nghị định cũ quy định tổ chức hoặc cá nhân có hành vi vi phạm bản quyền có thể chịu mức phạt tối đa là 500 triệu đồng. Song, theo Nghị định mới, mức xử phạt tối đa với các cá nhân chỉ áp dụng con số 250 triệu đồng.

Trong khi, hầu như các quy định xử phạt hành chính của ta đang dần tăng mức số tiền xử phạt, thì Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan lại làm theo quy trình ngược.

Song, theo báo cáo đánh giá tác động của Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan: Giảm mức phạt tối đa sẽ làm cho Nghị định mới có tính khả thi cao hơn.

Hơn nữa, Cục Bản quyền tác giả đã căn cứ vào Luật xử lý vi phạm hành chính, được Quốc hội thông qua năm 2012 để đưa ra mức xử phạt cho Nghị định mới này. "Mức phạt 500 triệu đồng là một con số khá lớn và đủ sức răn đe, nhưng các cơ quan chức năng cần có đủ quyết tâm để xử lý vụ việc đến cùng" - ông Vũ Ngọc Hoan, Quyền Cục trưởng Cục bản quyền tác giả cho biết.

hực tế, trong vài năm nay, mức phạt 500 triệu đồng mới chỉ được áp dụng một lần duy nhất tại TP Hồ Chí Minh, với một đơn vị chuyên tổ chức in ấn và gia công sách lậu. Theo kế hoạch, sau 8/3, Cục Bản quyền tác giả sẽ tập hợp ý kiến, sửa đổi để hoàn thành bản dự thảo Nghị định lần cuối, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 31/6.q