Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quyền dân sự phải được bảo vệ thông qua tòa án

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tuần qua, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Dân sự (sửa đổi).

Trong đó, một số vấn đề như chuyển đổi giới tính, tòa án không được quyền từ chối giải quyết vụ việc khi chưa có quy định của pháp luật... đã được tập trung cho ý kiến

Một vấn đề được nhiều ĐB quan tâm là tòa án không được quyền từ chối giải quyết khi chưa có quy định của pháp luật. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, quy định về áp dụng tập quán, áp dụng quy định tương tự của pháp luật hiện đã có trong Bộ luật Dân sự hiện hành. Tham khảo kinh nghiệm thế giới cho thấy, ngay ở những nước có nền pháp lý phát triển, hệ thống luật thành văn cũng không thể bao quát hết mọi tình huống phát sinh trong xã hội. Do đó, đưa quy định vào Bộ luật Dân sự là cần thiết. Nhiều ý kiến cho rằng, để áp dụng cơ chế này, trước hết phải tin tưởng và giao cho thẩm phán áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, lẽ công bằng trong xét xử. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế, do đó quy định như Dự án Bộ luật là phù hợp.

ĐB Đinh Xuân Thảo (đoàn Hà Nội) cho rằng, bảo vệ quyền dân sự thống nhất cho áp dụng tập quán, tương tự pháp luật và lẽ công bằng là phù hợp với tình hình thực tế và không trái với nguyên tắc thẩm phán chỉ xét xử độc lập và tuân theo pháp luật. “Trao cho thẩm phán thực hiện quyền đó là đúng pháp luật, vì pháp luật không chỉ có điều khoản cụ thể, nên việc áp dụng nguyên tắc chung như vậy là phù hợp” - ĐB nhấn mạnh.

Tán thành quan điểm bảo vệ quyền dân sự thông qua tòa án, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, Nhà nước quản lý bằng pháp luật, nhưng chưa có pháp luật thì Nhà nước phải giải quyết đáp ứng yêu cầu của người dân.

* Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội về việc Chính phủ vừa trình Quốc hội đề nghị cho phép phát hành 3 tỷ USD trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để đảo nợ và trước ý kiến lo lắng rằng đi vay nhiều thì sau này trả nợ sẽ là gánh nặng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho rằng: Muốn giảm nợ công, cách đơn giản nhất là không vay. Không vay thì nợ công giảm rất nhanh, nhưng không có nguồn lực để phát triển. Trong bối cảnh Việt Nam phải phát huy cả nội lực và ngoại lực, vay là để đầu tư chứ không để chi thường xuyên theo đúng quy định của Luật Ngân sách. Thực tế có nhiều công trình đầu tư bằng vốn vay có hiệu quả kinh tế cao, trả nợ được. Do đó, phải tính toán để nợ công an toàn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia thì mới vay. Quan trọng hơn là phải quản lý chặt đầu ra. Vay đầu tư vào địa chỉ nào để phát huy hiệu quả kinh tế để trả nợ, để tạo động lực thúc đẩy kinh tế. Luật cho phép được cơ cấu lại nợ sao để có lợi nhất. Không phải vì không trả được nên phải đảo nợ. Ví dụ như trước đây có khoản vay lãi suất cao, nay thị trường xuống thấp thì vay để trả khoản trước dù chưa đến hạn trả. Việc này là để đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia lâu dài.