KTĐT - Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 06/TT-BYT quy định về quản lý mỹ phẩm nhằm khắc phục những lỗ hổng trong quản lý thị trường mỹ phẩm lâu nay.
Theo Thông tư mới, bắt đầu từ ngày 1/4/2011, việc kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm chất lượng kém sẽ bị thu hồi, phạt tiền và đình chỉ lưu hành; người sử dụng mỹ phẩm chất lượng kém có thể khởi kiện cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm... Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, tại nhiều điểm trên địa bàn Hà Nội, mỹ phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán tràn lan.
Nếu như năm 2001, chỉ có 400 chất bị cấm sử dụng trong sản xuất mỹ phẩm, thì nay đã tăng lên 1.400 chất bị cấm. Nhưng đối với các mặt hàng trôi nổi, không thể kiểm soát được những chất gì có trong mỹ phẩm, có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng hay không. Tại nhiều quầy hàng, mỹ phẩm giả có nhãn mác giống y hàng thật, thậm chí còn có cả tem... chống hàng giả. Khu chợ đêm Đồng Xuân có tới hàng chục hàng bày la liệt các loại mỹ phẩm. Các chủ hàng thường bày hàng thật trộn lẫn hàng giả. Nếu khách không sành về mỹ phẩm, sẽ mua phải hàng giả. Hầu hết các quầy hàng ở đây đều bày bán đủ các loại sản phẩm từ lọ sơn móng tay, sữa dưỡng ẩm, sữa trắng da, phấn, son, mặt nạ đắp mặt đến dầu gội đầu, thuốc nhuộm tóc, nước hoa... và được "gắn"các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài, nhưng giá chỉ vài chục đến vài trăm nghìn đồng!?
Không chỉ chợ Đồng Xuân mà trên hầu hết các phố ở Hà Nội, sản phẩm của các hãng mỹ phẩm nổi tiếng như Clinque (Mỹ), Sisheido (Nhật Bản), O Hui (Hàn Quốc), L'Oreal (Pháp)... cũng bị làm giả. Nhưng nếu để ý kỹ vẫn thấy trên một số tem có chữ viết sai chính tả hoặc không ghi xuất xứ, tên nhà sản xuất mà chỉ có tên nhà nhập khẩu là một công ty nào đó. Theo quan sát của chúng tôi, đa số mỹ phẩm nhập từ nước ngoài bày bán kiểu này là hàng "không rõ nguồn gốc xuất xứ". Đáng ngạc nhiên là mặt hàng này lại bán rất chạy. Các loại hàng có nguồn gốc rõ ràng (tức hàng xịn) cũng nhiều, nhưng các chủ buôn "ưa" hàng "dởm" bởi giá thành chỉ bằng 1/3, thậm chí 1/10 hàng thật. Các loại mỹ phẩm trang điểm như son, phấn, chuốt mi, bút kẻ, nước hoa... với đủ các loại nhãn mác nổi tiếng trên thế giới có mặt tại chợ hầu như đều là hàng Trung Quốc. Mỹ phẩm made in Korean,
Tại chợ Hôm, phố Hàng Ngang, Hàng Đào, mỹ phẩm "dởm" cũng được bán một cách công khai. Nhiều cửa hàng một bên bày hàng thật, có nguồn gốc của hãng Lancôme, Christian Dior, Nivea, Shiseido, ISA Knox, Essance..., một bên bày hàng giá rẻ, không rõ nguồn gốc, dù đều chung một nhãn mác nhưng giá cả thì một trời một vực. Nhiều khách hàng ưa rẻ đã chọn những mặt hàng không rõ nguồn gốc, hạn dùng. Một hộp phấn nén ISA Knox trị giá gần 500.000 đồng nhưng hàng "dởm" chỉ có 30.000 đồng (theo giá bán buôn).
Hiện cơ quan chức năng quản lý sản phẩm mỹ phẩm là Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) chưa có một khảo sát cụ thể về tỷ lệ và tình hình mỹ phẩm thật - giả trên thị trường. Mặc dù, hàng ngày, BV Da liễu T.Ư cũng như BV Da liễu Hà Nội khám và điều trị cho rất nhiều trường hợp bị dị ứng do sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng. Hầu hết những trường hợp ấy đều phải ngậm ngùi chịu hậu quả nhưng chưa ai khởi kiện cơ sở sản xuất hay cơ sở kinh doanh sản phẩm. Thông tư số 06/TT-BYT cũng có quy định rõ ràng, người sử dụng mỹ phẩm chất lượng kém có thể khởi kiện cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm.Vì thế, để quy định này đi vào thực tiễn, ngoài việc siết chặt quản lý của cơ quan chức năng, thì người tiêu dùng cũng phải vào cuộc để tẩy chay hàng giả, hàng kém chất lượng.