Kinhtedothi - Sau hơn một tháng ra quân kiểm tra, kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước, tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép thuốc lá lậu đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, muốn ngăn chặn được thuốc lá lậu đòi hỏi phải có giải pháp ngăn chặn từ "gốc" chứ không chỉ xử lý phần "ngọn" như hiện nay.
Mới xử lý được đối tượng buôn bán nhỏ lẻ
Ngày 8/5, Đội QLTT số 12 (Chi cục QLTT Hà Nội) kiểm tra điểm kinh doanh thuốc lá trước tòa nhà N5D phường Trung Hòa (Thanh Xuân) do ông Lê Hùng Ban làm chủ, đã phát hiện 1.675 bao thuốc lá ngoại nhập lậu. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, chuyển hồ sơ, tang vật cho Công an quận Thanh Xuân xử lý trách nhiệm hình sự.
Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội tiêu hủy thuốc lá lậu. Ảnh: Hoài Nam
|
Đây chỉ là một trong số những vụ bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý trong đợt cao điểm ra quân. Theo số liệu của Chi cục QLTT Hà Nội, từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT đã kiểm tra 207 vụ buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ thuốc lá lậu, qua đó xử lý 191 vụ, phạt hành chính trên 403 triệu đồng và tịch thu 9.160 bao thuốc lá nhập lậu. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 4 đến hết ngày 15/5, QLTT Hà Nội đã kiểm tra và xử lý 138 vụ buôn lậu, tiêu thụ thuốc lá ngoại nhập lậu, tịch thu 4.447 bao thuốc lá các loại.
Mặc dù lực lượng QLTT đã liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, buôn lậu thuốc lá ngoại nhưng thực tế cho thấy, hầu hết những trường hợp vi phạm bị phát hiện đều là những người kinh doanh nhỏ lẻ. Lực lượng chức năng chưa phát hiện những đường dây, ổ nhóm buôn lậu với số lượng lớn, phản ánh đúng tình hình buôn lậu thuốc lá đang diễn ra hiện nay.
Ông Chu Xuân Kiên - Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội thừa nhận: Hiện, dân buôn lậu thường vận chuyển dưới 1.500 bao để tránh truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, việc điều tra, phân loại, tổ chức nắm bắt các đối tượng buôn lậu lớn của lực lượng chức năng còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, ông Kiên cũng khẳng định: Kiểm soát thuốc lá nhập lậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chi cục, không chỉ thực hiện trong đợt cao điểm mà sẽ được tiến hành thường xuyên trong cả năm.
Ngăn chặn phải từ gốc
Trước thực trạng buôn lậu thuốc lá ngày càng gia tăng, nhiều ý kiến cho rằng, công tác ngăn chặn hiện nay chủ yếu mới chỉ ở "đầu ra" chứ chưa giải quyết cái "gốc" là buôn lậu thuốc lá tại biên giới. Nếu các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp ngăn chặn ngay từ "đầu vào" thì việc chống buôn bán lậu tại thị trường nội địa sẽ không quá khó khăn như hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng thừa nhận thực trạng này, đồng thời khẳng định: Bộ Công Thương đã xác định việc ngăn chặn thuốc lá nhập lậu được coi là hoạt động trọng điểm trong công tác chống buôn lậu năm 2014 của lực lượng QLTT cả nước.
Tại buổi mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5), đại diện Bộ Y Tế cũng cho biết: Hiện Việt Nam áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là 65% và thuế VAT là 10%, tương đương với 45% giá bán lẻ, trong khi tại các nước phát triển như Pháp, Đức, Australia, mức thuế này tương đương từ 60 - 80% giá bán lẻ. Chính mức thuế thấp đã tạo "điều kiện" cho hoạt động buôn lậu thuốc lá phát
triển. Để ngăn chặn thuốc lá lậu, Bộ Y tế đã đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 65% lên 105% vào thời điểm năm 2015 cho giai đoạn 3 năm (2015 - 2017); tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 105% lên 145% vào thời điểm năm 2018 cho giai đoạn 2 năm (2018 - 2019)... Mức tăng thuế này sẽ giảm sức tiêu thụ thuốc lá trong xã hội, từ đó góp phần hạn chế tình trạng buôn lậu.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn được tình trạng vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng QLTT còn đòi hỏi các ngành chức năng như: Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Công an… tăng cường hơn nữa công tác phối hợp trong việc phát hiện, ngăn chặn ngay từ biên giới, bắt giữ, xử lý quyết liệt trong nội địa. Ngoài ra, các lực lượng chức năng cần tích cực phối hợp với chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ thị trường nội địa trong việc triệt phá các đường dây buôn lậu thuốc lá số lượng lớn, xử phạt nghiêm những đối tượng buôn bán thuốc lá lậu nhằm tạo tính răn đe...
Bên cạnh đó, Nhà nước cần đưa thuốc lá ngoại vào danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, loại bỏ mặt hàng này khỏi chính sách ưu đãi cư dân biên giới. Quy định này sẽ hạn chế tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi cư dân biên giới của Nhà nước để hình thành các ổ nhóm buôn lậu thuốc lá.