Tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã gửi 175 phiếu chất vấn với 247 câu hỏi đến Thủ tướng và các thành viên Chính phủ; trong đó, có 5 phiếu với 11 câu hỏi chất vấn Thủ tướng. Thủ tướng Chính phủ đã uỷ nhiệm và yêu cầu các thành viên Chính phủ theo chức năng nhiệm vụ được giao, trả lời bằng văn bản gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Hai ngày qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, thứ 3 và đã có 4 bộ trưởng trực tiếp cùng Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và 3 Bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn tại Hội trường.
Thủ tướng nhận định, trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11, tình hình kinh tế, xã hội tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực. Giá tiêu dùng tháng 10 tăng 0,85%, thấp hơn nhiều so với mức tăng của tháng 9, 10 tháng tăng 6,02%. Thu ngân sách 10 tháng đạt 76,2%, chi ngân sách đạt 78,8% dự toán. Xuất khẩu 10 tháng tăng 18,4%; nhập khẩu tăng 6,8%. Cán cân thanh toán tiếp tục được cải thiện, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 5,8% (tháng 9 tăng 4,6%); tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước cả năm tăng 3,9%; xuất khẩu gạo cả năm khoảng 7,5 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay...
Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, đất nước ta phải đương đầu với nhiều thách thức. Kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ở trong nước, kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát chưa vững chắc, sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, tổng cầu giảm, tồn kho còn lớn, nợ xấu còn cao. Nếu không được giải quyết có hiệu quả, nền kinh tế sẽ rơi vào trạng thái trì trệ, tác động tiêu cực đến việc làm và đời sống nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh, trước bối cảnh này, đòi hỏi phải kiên định các giải pháp đúng và đang phát huy hiệu quả. Trong đó, tập trung giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Quản lý thu, chi ngân sách chặt chẽ, hiệu quả và triệt để thực hành tiết kiệm, loại bỏ các khoản chi chưa cấp bách, hạn chế đi công tác nước ngoài, giảm hội họp, dành thời gian chỉ đạo kiểm tra thực thi nhiệm vụ….
Trong điều hành phát triển kinh tế xã hội năm 2013, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, sẽ khẩn trương triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Trong đó có đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ những giải pháp Chính phủ sẽ thực hiện như giải quyết hàng tồn kho, xử lý nợ xấu, phá băng cho thị trường bất động sản. Thủ tướng nhận định, “tồn kho cao, nợ xấu lớn trong điều kiện tổng cầu giảm đang là những nút thắt trong nền kinh tế. Nhiều đại biểu đã bày tỏ lo lắng về tình trạng này. Chính phủ nhận thức rõ điều đó. Nghị quyết 13 năm 2012 của Chính phủ, tuy có những tác động tích cực nhưng chưa đủ mức, cần có những giải pháp mạnh hơn cả về cơ chế chính sách và nguồn lực theo quan điểm là trong giới hạn của tổng nguồn, phải phân bổ và phân kỳ đầu tư hợp lý nhất để nền kinh tế vượt qua sức ỳ, ra khỏi khó khăn, tạo đà đi lên. “
Thủ tướng Chính phủ nhận định, nhiệm vụ sắp tới là rất nặng nề. Tiếp thu những ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ khẩn trương triển khai và phấn đấu thực hiện các Nghị quyết của Đảng và của Quốc hội. Chính phủ xin trân trọng đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát và trên cương vị công tác của mình, mỗi vị đại biểu Quốc hội có những đóng góp thiết thực hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra.