Quyết liệt ngăn chặn nạn buôn bán phân bón giả, kém chất lượng

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng vẫn "vô tư" bày bán, lưu thông trên thị trường tiềm ẩn nhiều hệ lụy, gây thiệt hại cho cả Nhà nước, DN và bà con nông dân. Mức phạt cao nhất của tội sản xuất, buôn bán phân bón giả là phạt tù 15 năm đối với cá nhân và bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân thương mại.

Phanh phui nhiều vụ việc liên quan phân bón giả

Ngày 25/10 vừa qua, lực lượng liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang đã phát hiện 11.580 chai, gói thuốc trừ sâu, phân bón không hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ khi kiểm tra cửa hàng vật tư nông nghiệp “Bảy Phận” huyện Châu Phú (tỉnh An Giang), do ông Hồ Hoàng Phận làm chủ. Tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên và bàn giao cho Công an huyện Châu Phú tiếp tục điều tra, xác minh, xử lý theo quy định pháp luật.

Hồi tháng 9/2021, cơ quan chức năng thuộc tỉnh Lâm Đồng đã xử phạt các cơ sở kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, không có giấy phép lưu hành tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng; buộc các đối tượng vi phạm nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp; đồng thời tổ chức tiêu hủy số hàng hóa này.
Trước đó, qua trinh sát nắm tình hình, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 (Cục QLTT tỉnh Lâm Đồng) đã kiểm tra, xử lý 2 vụ mua bán phân bón giả và phân bón không có quyết định công bố lưu hành tại các địa phương này, chủ yếu là các loại phân bón hỗn hợp. Đội đã lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hơn 260 triệu đồng và buộc các đối tượng vi phạm tiêu hủy toàn bộ số phân bón trị giá hơn 100 triệu đồng.
 Lực lượng chức năng phát hiện kho phân bón giả tại tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Thu Hường
Ngoài 2 vụ trên, các đội QLTT ở Lâm Đồng còn phát hiện hàng chục vụ tương tự; xử phạt các cơ sở kinh doanh phân bón vi phạm với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng và buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp hơn 37 triệu đồng. Lực lượng QLTT Lâm Đồng đã phối hợp các cơ quan chức năng giám sát tiêu hủy hơn 16 tấn phân bón giả, không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường; đồng thời thu hồi buộc tái chế trên 43 tấn phân bón kém chất lượng.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 3 bị can về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” là phân bón, xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Châu Rhino tại tỉnh Đồng Nai. Vụ án này bắt nguồn từ việc, Tổng cục QLTT phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) kiểm tra nhà xưởng sản xuất của Công ty TNHH Thương mại Châu Rhino nằm ở TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Qua kiểm tra, kiểm định, lực lượng chức năng phát hiện 61,5 tấn phân bón các loại là hàng giả, không có giá trị sử dụng. Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ vụ án.

Tăng cường kiểm tra, giám sát mặt hàng phân bón

Trước đó, Tổng cục QLTT đã có công văn yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, TP chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT, các ngành có liên quan tại địa phương xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng phân bón. Thời gian kiểm tra từ ngày 1/8 đến ngày 12/12/2021. Đối tượng kiểm tra là các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh phân bón. Bên cạnh đó, Tổng cục QLTT cũng đề nghị, Cục QLTT các tỉnh, TP tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, thu thập thông tin, theo dõi sát các biến động đối với mặt hàng phân bón, thường xuyên giám sát thị trường phân bón để kịp thời phát hiện, kiểm tra đột xuất nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng...

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay, sản xuất, buôn bán hàng giả - phân bón nông nghiệp là tệ nạn diễn ra từ lâu nhưng gần đây trở nên phức tạp và phổ biến hơn. Hàng giả là phân bón nông nghiệp bao gồm hàng giả về chất lượng và hàng giả về nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Một sản phẩm có thể là hàng giả về một trong hai hoặc cả hai loại hàng giả trên.

Xét dưới góc độ pháp luật, người có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón nông nghiệp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ nguy hiểm và thường căn cứ vào giá trị hàng thật có cùng công dụng, tính năng kỹ thuật tương đương với số lượng hàng giả. Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự là sản xuất buôn bán hàng giả có số lượng tương đương với hàng thật có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng thuộc trường hợp đã xử phạt vi phạm hành chính, đã bị kết án mà chưa được xóa án tích về hành vi này hoặc một số hành vi khác quy định tại các Điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật Hình sự về các tội như buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc, thực phẩm, phụ gia thực phẩm…; thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên. Trường hợp này người có hành vi trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất buôn bán hàng giả” theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự. Mức phạt cao nhất của tội này là phạt tù 15 năm đối với cá nhân và bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân thương mại.

“Trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người có hành vi trên còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Mức phạt tiền có thể lên đến 200 triệu đồng nếu sản xuất hàng giả là phân bón về giá trị sử dụng, công dụng theo khoản 2 Điều 10 Nghị định này” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng thông tin.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần