Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi

Quyết liệt xử lý việc tranh chấp ngư trường khai thác ốc

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Nhiều biện pháp đã được triển khai nhưng cứ đến mùa khai thác ốc ruốc, tình trạng xô xát, đuổi đánh, tranh chấp ngư trường làm mất an ninh trật tự lại tái diễn.

Cuối tháng 2/2024, tình trạng tranh giành khi khai thác ốc ruốc (còn gọi là ốc gạo) lại tái diễn trên vùng biển xã Đức Minh (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi), làm một ngư dân bị thương, phải nhập viện cấp cứu.

Ngư dân Lê Văn Hạnh (xã Đức Lợi) cho biết, vào khoảng 8 giờ ngày 24/2, nhóm ngư dân xã Đức Lợi đến vùng biển xã Đức Minh cào ốc. Khi đang chuẩn bị khai thác, một nhóm 6 ghe của ngư dân xã Đức Minh lao tới ngăn cản.

Ngư dân Lê Văn Hạnh kể lại sự việc.
Ngư dân Lê Văn Hạnh kể lại sự việc.

Ông Hạnh bị 3 ghe áp sát, khống chế. Một số người dùng vỏ chai bia tấn công, dùng rựa chặt vào ghe và chặt đứt dụng cụ khai thác ốc. Họ dùng rựa tấn công em trai ông Hạnh là Lê Văn Phú gây thương tích, phải đưa đi cấp cứu.

“Ngoài chặt phá dụng cụ khai thác ốc, mấy người đó còn lấy của tôi 3 cái điện thoại", ngư dân Hạnh nói.

Tàu của ngư dân Nguyễn Văn Thôi (ở xã Đức Lợi) cũng bị nhóm người đi ghe từ hướng xã Đức Minh lao đến chửi bới, tấn công. Ông Thôi bị khống chế, đánh vào mặt. Nhóm người này còn phá các dụng cụ và dùng rựa chém nhiều nhát vào thân ghe của ông Thôi.

“Họ hung dữ lắm, có nói gì cũng không được. Bị đánh vậy nhưng không dám quay phim lại, họ mà biết là cướp điện thoại, đánh đập dã man hơn", ông Thôi chia sẻ.

Sau một hồi đập phá, nhóm người trên các ghe của xã Đức Minh mới rời đi. Nhóm ngư dân Đức Lợi hỗ trợ nhau quay về bến, trình báo cơ quan chức năng.

Trước diễn biến phức tạp của việc tranh chấp ngư trường, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành các biện pháp quản lý con người, phương tiện nhằm bảo vệ hoạt động sản xuất của ngư dân theo quy định của pháp luật.

Bộ đội biên phòng thường xuyên kiểm tra hoạt động khai thác ốc ruốc của ngư dân.
Bộ đội biên phòng thường xuyên kiểm tra hoạt động khai thác ốc ruốc của ngư dân.

Theo Thiếu tá Trịnh Tất Thành- Phó Đồn trưởng nghiệp vụ, Đồn Biên phòng Đức Minh, đơn vị phối hợp với nhiều lực lượng khác tiến hành điều tra, xác minh những người có liên quan đến việc tranh chấp ngư trường để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, dựng lều, cắm chốt tại bãi biển Đạm Thuỷ Bắc thuộc xã Đức Minh,  tiến hành kiểm soát hoạt động khai thác ốc ruốc của ngư dân các địa phương.

“Sau khi được chỉ huy giao nhiệm vụ túc trực và thực hiện nhiệm vụ tại bãi biển Đạm Thuỷ Bắc, tổ công tác tuần tra, kiểm soát và giữ gìn trật tự tại khu vực biển; tránh trường hợp tranh chấp xảy ra giữa ngư dân”, Đại uý Lê Hồng Tuyên- Đội trưởng kiểm soát hành chính, Đồn Biên phòng Đức Minh cho hay.

Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp, đến nay, tình trạng tranh chấp ngư trường cơ bản đã được kiềm chế.

Ốc ruốc mang lại thu nhập cao cho nhiều ngư dân vùng biển.
Ốc ruốc mang lại thu nhập cao cho nhiều ngư dân vùng biển.

Vùng biển Đức Minh có nhiều ốc ruốc sinh sống. Từ tháng Giêng cho đến cuối tháng Ba Âm lịch hàng năm là mùa khai thác loại ốc này. Nghề cào ruốc mang lại thu nhập cao, trung bình mỗi ngày ngư dân kiếm được được từ 2 đến 4 triệu đồng/người.

Vì thu nhập cao nên cứ vào mùa ốc ruốc, ngư dân các địa phương trong tỉnh lại đến vùng biển xã Đức Minh khai thác. Do sử dụng ghe nhỏ, hiệu quả thấp hơn ngư dân các xã khác nên một số ngư dân ở Đức Minh có hành vi đuổi, đánh, không cho khai thác.

Ngư dân khai thác ốc trên vùng biển thuộc xã Đức Minh.
Ngư dân khai thác ốc trên vùng biển thuộc xã Đức Minh.

Trước đó, tháng 4/2023, nhiều ngư dân ở xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) vào ngư trường biển Đức Minh để khai thác ốc ruốc cũng bị tấn công, gây thương tích.