Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quyết sách cho mục tiêu xa hơn

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV có một vị trí đặc biệt quan trọng, không chỉ là một kỳ họp cuối năm đơn thuần, mà có tính chất tổng kết lại rất nhiều nội dung, nhiệm vụ đã được Quốc hội đề ra từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Các đại biểu tham dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV từ điểm cầu Hội trường Diên Hồng
Bởi thế, ngoài công tác xây dựng pháp luật, điều người dân, cử tri trông đợi ở nghị trường là những giải pháp được bàn thảo, quyết định để có bước đi vững chắc trong sự phát triển kinh tế - xã hội vào thời điểm đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, những bức thiết từ cuộc sống đang đòi hỏi.
Từ những thông tin Chính phủ trình Quốc hội cũng như thực tế cuộc sống qua phản ánh của cử tri tới nghị trường cho thấy, có nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 cũng như cả giai đoạn 5 năm qua. Trong đó, Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh và đã có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp. Tốc độ tăng trưởng cả năm ước đạt trên 2%, phấn đấu đạt khoảng 3%, là nước có mức tăng trưởng dương cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và được thế giới đánh giá cao... Nhưng cùng với đó, rất nhiều khó khăn, thách thức vẫn đang đặt ra như sản xuất gặp khó, lao động mất việc, thiên tai… Để thực hiện tốt nhất “mục tiêu kép” - vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội không hề dễ dàng trong bối cảnh chung hiện nay.

Trước nghị trường, Chính phủ cũng đã có cái nhìn thẳng vào thực tiễn, đưa rất nhiều giải pháp trong cả ngắn hạn và hướng tới dài hạn. Trong đó có những mục tiêu khá cao cho giai đoạn tiếp theo như năm 2021, GDP tăng khoảng 6% so với năm 2020. Với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, hành động quyết liệt cũng đã được thể hiện, nỗ lực vượt qua thử thách, quyết tâm cao nhất thúc đẩy sản xuất kinh doanh, để tăng trưởng kinh tế trở thành bệ đỡ thúc đẩy xã hội vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, rất nhiều câu hỏi được đặt ra đòi hỏi quyết sách từ nghị trường. Như dù năm 2020 tăng trưởng dương nhưng nguồn thu bị giảm mạnh và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đầu tư phát triển, chi thường xuyên, sức chống chịu của DN hay việc làm của người dân... Rồi việc thực hiện rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, phải làm những gì để tranh thủ được cơ hội, hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế?... Bởi thế, “trọng tâm của trọng tâm” là Quốc hội phải tập trung đánh giá thật kỹ các vấn đề đặt ra, từ đó mới có thể xác định các giải pháp căn cơ, cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn nhất; đúng, trúng các ưu tiên trong cả giai đoạn 5 năm tới, điều chỉnh giải pháp hỗ trợ DN thế nào cho hiệu quả hơn, để thúc đẩy mạnh mẽ sự phục hồi…

Đứng trước những vấn đề rất lớn và khó ấy, nhiệm vụ đặt ra cho mỗi đại biểu rất nặng nề và trách nhiệm cũng rất lớn lao. Đặc biệt là thực tế cuộc sống vẫn còn nhiều việc đòi hỏi cái nhìn thấu đáo, sự vào cuộc tích cực, bản lĩnh hơn của mỗi đại biểu trên nghị trường. Cử tri hy vọng rằng, tại một Kỳ họp đặc biệt, trong bối cảnh đặc biệt này, các đại biểu Quốc hội sẽ tập trung trí tuệ, nhiệt huyết, chung sức tìm ra được những giải pháp thực sự đột phá cho sự phát triển trước mắt và xa hơn của nền kinh tế, giải quyết được cả các vấn đề xã hội đang đặt ra.