Cùng hiến kế
Tại Hoàng Mai, Quận ủy đã tọa đàm về Chỉ thị trên với sự tham gia đông đảo của cán bộ chủ chốt từ phường đến quận để cùng tham gia "hiến kế" những cách làm hay để khi triển khai xuống cơ sở đạt hiệu quả cao nhất. Chủ tịch MTTQ phường Thanh Trì Nguyễn Văn Lương cho rằng: Khi thực hiện Chỉ thị 11 phải "chọn đúng đối tượng, đúng việc cần làm", chú trọng đến vai trò của Đoàn thanh niên, bởi đây là những chủ thể chính của đám cưới. Ông Chu Xuân Tửu, Trưởng ban Tuyên giáo, Đảng ủy phường Đại Kim nhấn mạnh: Cần coi đây là mục tiêu thi đua và có hình thức kỷ luật rõ ràng đối với cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò dòng họ, tránh mời cỗ trong giờ hành chính, khuyến khích báo hỷ sau cưới… nhằm tạo sức mạnh và tạo sự chuyển biến rõ nét hơn.
Xóa bỏ những hủ tục, hiện tượng tiêu cực để xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới là mục tiêu của Quận ủy Hà Đông đặt ra trong Chương trình 06-CTr/QU. Tại phường Phúc La, nhiều chi ủy không chỉ vận động cán bô, đảng viên mà còn chủ động tham mưu với lãnh đạo phường triển khai thực hiện đồng bộ tới nhiều đối tượng.
Một lễ cưới tập thể văn minh, tiết kiệm tại Hà Nội. Ảnh: Minh Đức
Hiệu quả cụ thể
Trưởng ban Dân vận Quận ủy Hà Đông Phạm Phú Lịch chia sẻ, lấy "xây" để "chống" trở thành phương châm hành động của toàn quận. Gia đình nào chấp hành tốt được tổ dân phố, phường trực tiếp biểu dương, khen thưởng, nhân rộng. Ngược lại, gia đình nào, đặc biệt là cán bộ, đảng viên không chấp hành đều bị xử lý. Quận ủy, các Đảng ủy đã xử lý 20 cán bộ, đảng viên vi phạm, hình thức cao nhất là cách chức, miễn nhiệm, chuyển công tác (đối với 4 đảng viên), nhẹ là khiển trách, cảnh cáo, nhắc nhở, gửi thông báo đến cơ quan quản lý... Bằng nhiều hình thức cụ thể, đến nay, gần 85% số đám cưới trên địa bàn quận Hà Đông được tổ chức tuân thủ theo Chương trình 06.
Tại các huyện Ứng Hòa, Đông Anh, Chương Mỹ…, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, những đám cưới linh đình đã giảm đáng kể. Rõ ràng, sự tích cực, chủ động của cơ sở đã mang lại hiệu ứng mạnh cho một chủ trương mới. Tuy nhiên cũng cần phải có cơ chế thông tin, phối hợp xử lý giữa các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn với chính quyền địa phương. Trên thực tế, không ít cán bộ, đảng viên đang công tác tại các cơ quan của TP hoặc T.Ư, các doanh nghiệp Nhà nước… có quan hệ rộng, đông khách mời dự tiệc cưới; nguy cơ vi phạm cao nhưng vận động, thuyết phục lại không dễ. Đây là trở ngại không nhỏ đối với cấp ủy, chính quyền cơ sở. Vì vậy, cùng với quyết tâm riêng của mỗi địa phương, các cơ quan, đơn vị cũng cần vào cuộc tích cực, vận động chính đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp đang cư trú trên địa bàn thực hiện, có như vậy việc thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU mới thực sự nghiêm túc, đạt hiệu quả cao nhất.