Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rà soát để tránh oan sai

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Để xảy ra oan sai và oan với những người bị buộc tội ở mức án cao nhất (20...

Kinhtedothi - “Để xảy ra oan sai và oan với những người bị buộc tội ở mức án cao nhất (20 năm, chung thân, tử hình) là không thể chấp nhận được. Nếu cán bộ nào vi phạm, có hành vi ép cung hay bức cung đều bị xứ lý theo quy trình, điều lệnh và theo pháp luật”, đây là khẳng định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Trương Hòa Bình tại phiên chất vấn trả lời chất vấn sáng 21/11.

Lắp camera giám sát việc hỏi cung Trước ý kiến của nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng, chất lượng xét xử hiện nay không cao, tình trạng án oan sai vẫn còn xảy ra, tranh tụng tại toà, giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp còn chậm, tỷ lệ thấp... Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết: Năm 2013, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm gửi về là khoảng 5.000, so với trên 350.000 vụ án đã xét xử, thì chưa phải là nhiều.

 
Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình trả lời chất vấn.
Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình trả lời chất vấn.

Liên quan đến vụ việc Nguyễn Thanh Chấn được một số ĐB chất vấn, ông Bình cho biết, sau khi hai bản án kết tội bị hủy, vụ án đang được chuyển cơ quan công an điều tra lại. Để kết luận có oan, ép cung hay không phải qua kết luận điều tra một cách đúng đắn. Về bình diện chung, nền tư pháp của nước nào, kể cả nước phát triển cũng không tránh khỏi oan sai. Việt Nam cũng nằm trong thực tế đó, nhưng việc để xảy ra oan sai, đặc biệt là oan với những người bị buộc tội ở mức án cao nhất (chung thân hoặc tử hình) là không thể chấp nhận được. Nếu cán bộ nào vi phạm, có hành vi ép cung hay bức cung đều bị xứ lý theo quy trình, điều lệnh và theo pháp luật.

Chia sẻ với Chánh án Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang nêu rõ, những hạn chế này nếu phát hiện phải được xử lý nghiêm. Bộ trưởng Quang đồng tình với đề nghị của ĐB Lê Thị Nga lắp camera giám sát tất cả các cuộc hỏi cung. Hiện, ngành công an đã thí điểm nhưng do kinh phí khó khăn nên mới chỉ lắp đặt một số địa bàn trọng điểm, sắp tới sẽ trình báo cáo Chính phủ tăng kinh phí triển khai thêm.

Tại sao tội tham nhũng nhiều án treo?

Đây là câu hỏi của ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đặt ra với Chánh án Trương Hòa Bình. Theo ĐB Thường, báo cáo giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội có nêu số bị cáo được cho hưởng án treo đối với án tham nhũng và hình phạt tù nhẹ còn chiếm cao. Có nơi đến 40%, gây hoài nghi trong dư luận có tiêu cực chạy án. Vậy, trong quá trình thực hiện ngành Tòa án có khó khăn, vướng mắc gì không? Trách nhiệm của ngành trong kiểm tra, xử lý cán bộ mắc sai phạm ra sao?…" Chánh án Trương Hòa Bình thừa nhận, đây không phải là vấn đề mới và đã nhiều lần giải trình trước Quốc hội, số lượng án treo đã giảm rất nhiều, số bị cáo cho hưởng án treo cũng giảm rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, không loại trừ có hiện tượng tiêu cực, nhưng với trách nhiệm của ngành Tòa án và các cơ quan hữu quan, nếu phát hiện thì sẽ kiên quyết xử lý.

Cho rằng chất lượng giải quyết các vụ án tùy thuộc vào chất lượng nhân lực, cả Chánh án Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đều nhất trí phải xây dựng chiến lược về công tác cán bộ trong đó chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, đạo đức, tinh thông nghiệp vụ để hạn chế thấp nhất những rủi ro tiêu cực trong quá trình điều tra xét xử.