Theo báo cáo của huyện Ba Vì, tổng số trường học trên địa bàn là 121 trường, trong đó mầm non 41 trường, 36 trường tiểu học, 33 trường THCS, 2 trường phổ thông cơ sở, 8 trường THPT và 1 trường THPT thành lập mới (THPT Quang Minh) so với trước khi có Nghị quyết…
Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp mẫu giáo đến nay đạt 90%; 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến lớp; 100% các trường thực hiện chương trình đổi mới giáo dục mầm non và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Huyện đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (30/31 xã đạt, tỷ lệ 96,7%);… Huyện giữ vững đạt phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và xóa mù chữ (30/31 xã đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2). Giáo dục THPT số trường đạt chuẩn quốc gia đến 2016 đạt 5/8 trường, chiếm tỷ lệ 62,5%, sĩ số học sinh bình quân 44 học sinh/lớp (chỉ tiêu đến 2020 giảm xuống 40 học sinh/lớp); 100% các trường được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học theo hướng đạt chuẩn…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Ba Vì còn những tồn tại, hạn chế, nhiều khó khăn. Trong đó, chất lượng giáo dục toàn diện và tỷ lệ trẻ mầm non ra lớp so với mặt bằng chung của TP còn thấp. Chất lượng học sinh giỏi, chất lượng đại trà về văn hóa giáo dục phổ thông còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày các trường tiểu học, nhất là ở cấp THCS còn thấp so với mặt bằng chung TP. Nhu cầu trẻ ra lớp trên địa bàn, đặc biệt ở cấp mầm non tăng nhanh; trong khi đó cơ sở vật chất thiếu phòng học và nhiều phòng học cấp 4 xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu. Số phòng học đủ để dạy học 2 buổi/ngày ở tiểu học, mầm non còn thiếu (mầm non còn phải học nhờ), nhiều phòng đã xuống cấp chưa được thay thế…
Giải thích những nguyên nhân bất cập trên, ông Đỗ Mạnh Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, do địa bàn các xã rộng, nhiều điểm trường lẻ; điều kiện kinh tế của người dân thấp; nguồn thu của huyện còn ít. Xuất phát điểm về cơ sở vật chất còn thiếu nhiều; số trẻ ra lớp ngày càng tăng, dẫn tới thiếu cơ sở vật chất phục vụ dạy học. Việc phối hợp giữa nhà trường và gia đình còn hạn chế, chưa khai thác hết vai trò của phụ huynh trong giáo dục, xã hội hóa. Ông Đỗ Mạnh Hưng cho biết, để khắc phục những bất cập này, huyện đã chỉ đạo các xã triển khai xã hội hóa để tu bổ cơ sở vật chất, phòng học xuống cấp, mua sắm, sửa chữa bàn ghế, thiết bị đồ dùng dạy và học, mua sắm thiết bị phục vụ bếp ăn bán trú đảm bảo yêu cầu tối thiểu. Tham mưu TP hỗ trợ, đầu tư kinh phí xóa phòng học cấp 4, phòng học thiếu, tạm, mượn và xây dựng công trình vệ sinh. Ngoài ra, bám sát vào quy hoạch trường lớp đã được phê duyệt để thực hiện đầu tư.
Để thực hiện hiệu quả và hoàn thành tốt các chỉ tiêu Quy hoạch mạng lưới trường học TP Hà Nội đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030, “rất mong TP có cơ chế đặc thù hỗ trợ kinh phí để huyện xóa phòng học cấp 4 xuống cấp, xây mới phòng học còn thiếu để đảm bảo đủ mỗi lớp 1 phòng (đối với mầm non và tiểu học); xây dựng các phòng học bộ môn, phòng chức năng theo hướng chuẩn hóa; cải tạo hệ thống chiếu sáng phòng học, các công trình vệ sinh nhằm đáp ứng nhu cầu tỷ lệ trẻ ra lớp ngày càng tăng. Bên cạnh đó, để triển khai Đề án trường chất lượng cao theo kế hoạch đề ra, TP quan tâm hỗ trợ đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất đối với các trường huyện đưa vào đề án…” – ông Đỗ Mạnh Hưng kiến nghị.
Tại buổi làm việc với huyện Ba Vì, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh, Ba Vì là huyện xa trung tâm, đặc trưng vùng miền, có nhiều đồng bào thiểu số (7 xã). Với địa bàn rộng, việc đi lại, thực hiện nhiệm vụ chung rất khó khăn. Dù khó khăn, Ba Vì vẫn thực hiện hiệu quả trong phát triển giáo dục. Các dự án đầu tư trường lớp 2010-2015, tỷ lệ đầu tư cho giáo dục bằng và vượt TP đặt ra.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà đánh giá, huyện còn khá nhiều chỉ tiêu chưa đạt. Những chỉ tiêu chưa đạt cần phải phân tích rõ hơn nguyên nhân khách quan, chủ quan?… Ví dụ: khó về giải phóng mặt bằng, thu hồi đất… Dự án liên quan đến quy trình, đã phê duyệt chưa?... có phê duyệt rồi phải trình HĐND để có giải pháp thu hồi, giải phóng mặt bằng. Phải nêu rõ, để có giải pháp hoàn thành.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà đề nghị huyện Ba Vì đẩy mạnh tuyên truyền, nhận thức tầm quan trọng về quy hoạch mạng lưới giáo dục. Số trẻ ít, cần tăng cường trường, lớp, tuyên truyền người dân, cha mẹ học sinh để nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đào tạo; Bố trí đủ giáo viên đạt chuẩn. Riêng với giáo viên hợp đồng phải đảm bảo chất lượng dù là vấn đề còn tồn tại từ trước. Phải có lộ trình giải quyết số lượng, chất lượng giáo viên hợp đồng, bố trí hợp lý; Rà soát, bố trí hài hòa để đảm bảo cho các cháu được học 2 buổi/ngày; Đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy nguồn lực đóng góp trong nhân dân. Bên cạnh đó, rà soát lại quỹ đất, quy hoạch lại, hiện có thể đủ phòng học nhưng thiếu quỹ đất để mở rộng trường đến 2020 và 2030 khi số lượng học sinh tăng... Tăng cường các chỉ tiêu không cần đến nguồn lực đầu tư như tuyên truyền chống suy dinh dưỡng và trẻ em trong độ tuổi đi học…