Tới dự có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, cùng 451 đại biểu đại diện cho các sở ngành, địa phương, các HTX, tổ hợp tác…
Báo cáo nhiệm kỳ IV cho thấy, toàn TP Hà Nội hiện có 1.452 HTX đang hoạt động, trong đó, 58,5% là HTX nông nghiệp. Trong 5 năm qua, đã thành lập mới được 184 HTX, thu hút tổng vốn góp lên tới 98 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ HTX hoàn thành chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 đã đạt 95%. Các HTX sau chuyển đổi từng bước đổi mới về tổ chức, hoạt động khá hiệu quả, tạo việc làm cho khoảng 1,5 triệu thành viên, người lao động; góp phần bảo đảm an sinh xã hội và ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế Thủ đô nói chung…
Ghi nhận những kết quả khu vực kinh tế tập thể đạt được trong nhiệm kỳ qua, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Sự phát triển của các HTX chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế Thủ đô. Quy mô HTX còn nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết, nội lực thấp. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đúng đắn vai trò của khu vực kinh tế tập thể…
Để tiếp tục thúc đẩy, phát huy hơn nữa vai trò của các HTX, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Liên minh HTX TP bám sát, quán triệt sâu sắc tinh thần của các Nghị quyết T.Ư 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết T.Ư 5 khóa IX, Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI và Chương trình hành động số 24-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về Luật HTX năm 2012, vai trò của các HTX kiểu mới. Liên minh HTX TP cần đổi mới hơn nữa phương thức hoạt động. Ngay sau Đại hội V, cần sớm xây dựng kế hoạch hành động để cụ thể hóa Nghị quyết đại hội. Chủ động phối hợp với các sở ngành rà soát, đánh giá, tiến tới đề xuất điều chỉnh, sửa đổi các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn nhấn mạnh yêu cầu, các cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu, cần làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất để kinh tế tập thể phát triển bền vững.