Bởi một thông điệp thể hiện thái độ kiên quyết với việc không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén vừa được phát đi khi Ban Bí thư T.Ư Đảng vừa ban hành Chỉ thị số 16 về tổ chức Tết năm 2018. Trong đó tiếp tục nhấn mạnh việc nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên "tranh thủ" cấp dưới với mọi hình thức; nghiêm cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, lễ hội…
Dù đây không phải là chỉ đạo mới, cũng không phải năm nay mới phát đi, mà liên tục được nhắc lại hằng năm nhưng vẫn luôn nhận được sự quan tâm. Không chỉ Ban Bí thư mà Chính phủ năm nào cũng ban hành các “lệnh cấm”, thể hiện sự quyết liệt bằng các giải pháp cụ thể từ kiểm soát quyền lực đến mở số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin tố giác. Không chỉ T.Ư, những ngày qua, không ít địa phương cũng nhấn mạnh quy định này để chấn chỉnh, nhắc nhở và đặc biệt đề cập đến sự làm gương của những người đứng đầu, những cán bộ quản lý các cấp.Thực tế, biếu quà Tết vốn là một nét đẹp văn hóa của người Việt mỗi dịp Tết đến, nhưng đã có những biến tướng tiêu cực trở thành hành vi hối lộ, tham nhũng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, lắt léo. Mặc dù pháp luật đã có quy định quà tặng ở mức bao nhiêu thì quan chức không được nhận, nhưng thực tế, việc thực thi vẫn khó khăn. Những khoản “quà Tết” vẫn dễ dàng vào nhà quan chức, bởi cách biếu quà ngày càng đa dạng. Quà Tết vẫn là chất gây men, là bước đệm không thể thiếu cho những giao dịch cụ thể khác thường ngày. Bởi thế, sau những chỉ đạo rất quyết liệt của T.Ư với những “liệu pháp” ngày càng mạnh mẽ, hiệu quả việc “cấm tặng quà Tết” đến đâu, chưa ai dám khẳng định, dù thời điểm này hầu hết địa phương, đơn vị đều thống kê chưa phát hiện cán bộ nhận quà Tết trái quy định. Đánh giá của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khi nhận định về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 cho thấy, trong thực tế việc tặng quà để giải quyết công việc, hối lộ bằng hình thức tặng quà vẫn diễn ra rất phức tạp, dưới nhiều hình thức, nhất là việc lạm dụng phong tục truyền thống của dân tộc trong thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, Tết, hiếu, hỉ… Việc nộp lại quà tặng hầu như chỉ được thực hiện sau khi phát hiện sai phạm.Đây quả là vấn đề lớn, liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và cần được đánh giá, nghiên cứu để có quy định ngăn chặn triệt để thay vì chỉ nhắc nhở. Nên dư luận đồng tình, chỉ đạo của Ban Bí thư là thông điệp quan trọng, thể hiện quyết tâm ngăn chặn tiêu cực. Nhưng ý chí của T.Ư, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo cấp cao với mong muốn làm trong sạch bộ máy quản trị ấy, nếu không được đảm bảo thực hiện bằng cơ chế phù hợp cũng khó đạt được hiệu quả mong muốn. Rất cần một chữ “nghiêm”. Đó là quan điểm được nhiều người chỉ ra qua thực tế những năm qua. Nếu không có cơ chế thật nghiêm để giám sát chặt chẽ bằng các biện pháp cụ thể, thích đáng và nhất là không tự giác thì việc "quà biếu Tết" vẫn là chuyện “nói mãi”. Để thực hành chữ "nghiêm" ấy, trước hết, lãnh đạo phải nêu gương với "lệnh cấm" đó, chấp hành nghiêm để lan tỏa đến cấp dưới. Và hơn thế, không chỉ là “mùa vụ”, cần phải làm cương quyết và thường xuyên. Vì để thay đổi một thói quen vốn xuất phát điểm là tính văn hóa tốt, chỉ có điều đã bị biến tướng và lạm dụng không hề đơn giản. Chính vì thế, chỉ dừng ở quyết tâm có lẽ vẫn chưa đủ, biện pháp cụ thể phải được thực hiện thường xuyên, liên tục mới chấm dứt được tình trạng “năm nào cũng được nói đến” ấy.