Không ít diện tích rau màu và hoa đã bị ngập úng, hư hỏng và sinh trưởng chậm. Năng suất giảm Trên ruộng rau cải vẫn còn ướt sũng nước do chưa kịp tiêu hết từ các trận mưa, ông Nguyễn Văn Hòa, tổ dân phố Phúc Lý, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm không khỏi ngao ngán. Ông cho biết, 6 sào rau của gia đình đã bị thiệt hại 70% do mưa bão. Sau khi bão số 3 đổ bộ, nhiều trận mưa vẫn trút xuống kéo dài trong nhiều ngày, nước không kịp tiêu úng đã khiến một số diện tích rau mới gieo và đang độ thu hoạch bị úng, thối hoặc dập nát, sinh trưởng chậm. “Chính vì rau bị hư hại nhiều nên hiện nay, giá rau lên tới 20.000 đồng/kg nhưng chúng tôi không có rau để bán” – ông Hòa ngậm ngùi.
Tại nhiều vùng trồng rau khác trên địa bàn TP như Tiền Lệ, Song Phương (Hoài Đức), Thanh Đa (Phúc Thọ)… bà con nông dân cũng chịu chung tình cảnh tương tự. Theo thống kê của HTX Phú An, xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ, bão số 3 và hoàn lưu mưa sau bão đã làm hơn 50ha ngô và rau màu trên địa bàn bị thiệt hại. Trong đó, đa số diện tích ngô đang trong giai đoạn trỗ bông bị gãy, còn rau màu do thời gian ngập úng lâu nên bị thối cây. Ước tính thiệt hại rau màu của HTX Phú An lên tới khoảng 3 - 4 tỷ đồng. Điều đáng nói, đến nay, chỉ một phần diện tích hơn 10ha rau ở các chân ruộng cao đã được phục hồi, còn lại những khu ruộng trũng vẫn chưa thể làm đất gieo lứa mới. Theo đánh giá sơ bộ của huyện Phúc Thọ, toàn huyện có hơn 100ha lúa và rau màu bị mất trắng sau bão số 3. Không chỉ cây rau, đối với những người trồng hoa, mưa kéo dài cũng là trạng thái thời tiết đáng lo ngại nhất bởi cây bị thối, hỏng rễ ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển. Bà Nguyễn Thị Phú, tổ dân phố Hạ, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm chia sẻ, những đợt mưa kéo dài sau 3 cơn bão đầu tiên của năm nay đã khiến cho cây hoa hồng chậm phát triển, năng suất giảm tới 30% và chất lượng hoa cũng kém hơn. Mưa ẩm cộng thêm sương đã làm cho nhiều diện tích hoa hồng bị sâu bệnh, tuy nhiên người dân không thể phun thuốc vì mưa sẽ rửa trôi. Hiện, giá hoa hồng vẫn ổn định ở mức 300 đồng/cành ngắn, 1.000 đồng/cành dài. Sớm phục hồi sản xuất Có thể nói, cơn bão số 3 có cường độ không mạnh nhưng lượng mưa lớn và kéo dài đã gây ngập úng nhiều diện tích lúa và rau màu tại các địa phương như Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Thạch Thất, Đan Phượng… Bà Nguyễn Thị Thoa – Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT) cho biết, ngay sau khi kết thúc cơn bão, Sở NN&PTNT đã có văn bản chỉ đạo các địa phương hướng dẫn bà con nông dân biện pháp khôi phục sản xuất. Đối với diện tích lúa không bị ngập trắng, sau khi nước rút, cần tiến hành bón phân ủ hoai mục và phân lân, tuyệt đối không bón đạm. Đối với rau, tập trung thu hoạch các diện tích đến kỳ thu hoạch, số còn lại tiến hành bón bổ sung phân hữu cơ để tăng dinh dưỡng cho cây trồng. Đối với diện tích rau bị hỏng do mưa bão thì triển khai gieo trồng lứa mới để đảm bảo thu nhập. Cùng với hướng dẫn của các HTX, hiện nay, người trồng rau, hoa ở ngoại thành đang tích cực chăm sóc cây trồng để phục hồi sản xuất. Cụ thể, người trồng rau tiến hành tỉa, cấy dặm cây non và chuẩn bị đất gieo lứa mới. Đối với diện tích hoa hồng, bà con nông dân tiến hành cắt bỏ những bông hỏng, tỉa cành cho cây ra lộc mới. Tuy nhiên, điều lo ngại là trong khi sản xuất nông nghiệp vẫn chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau bão số 3, chiều tối 12/9, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên cơn bão số 4 và dự báo tiếp tục gây mưa ở nhiều nơi. Do đó, nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời, nhất là chuẩn bị phương án tiêu thoát úng, nhiều diện tích gieo trồng, trong đó có rau, hoa sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do mưa bão.
Nông dân phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm tiến hành tỉa, dặm rau. Ảnh: Quang Thiện |