Mô hình gia đình hiện đại chỉ có từ một đến hai con nên bậc cha mẹ nào cũng hết lòng vì con, dành hết cho con để con cái được chăm sóc và có một cuộc sống tốt nhất. Tuy nhiên, vì có điều kiện chăm sóc con tốt, nhiều bậc cha mẹ lại bao bọc trẻ trong môi trường gia đình một cách thái quá khiến trẻ thiếu đi những kỹ năng sống quan trọng, rối nhiễu về tâm lý. Và hội chứng “con vua" hay "hội chứng con cưng" đang trở thành vấn đề đáng báo động trong xã hội ngày nay. Bởi nếu không được uốn nắn, những đứa trẻ này khi trưởng thành sẽ rơi vào giai đoạn tột đỉnh của tuổi khủng hoảng với những nguy cơ như trốn nhà, tự tử, thậm chí, hăm dọa cha mẹ nếu không được thỏa mãn thói ích kỷ.
Để "con cưng" luôn là đứa con ngoan, các chuyên gia tâm lý khuyên cha mẹ nên nên tập cho trẻ tự làm những việc phù hợp với lứa tuổi, thiết lập giới hạn cho trẻ, nghiêm khắc, không nên để trẻ chỉ huy; thống nhất cách giáo dục, mọi người trong gia đình cùng hỗ trợ để giúp trẻ thích nghi. Nên dạy trẻ cách kiểm soát cảm xúc của bản thân, biết cách đứng lên từ thất bại. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên bàn bạc với trẻ về hình thức phạt khi trẻ làm sai và cương quyết thực hiện hình phạt khi xảy ra, có rất nhiều hình thức phạt như cắt ngay những "quyền lợi" như không đi chơi, không mua đồ chơi, không mua những món ăn mà trẻ thích, đứng một góc riêng tự suy nghĩ về hành động của mình. Đặc biệt lưu ý rằng, đánh trẻ không phải là cách tốt nhất để cho trẻ sửa đổi mà là thể hiện sự bất lực trong cách giáo dục.
Người lớn cần giúp trẻ chấp nhận sự ấm ức, tổ chức sinh hoạt trong gia đình qua việc quy định giờ ăn, học, giúp việc nội trợ, ngủ. Ngoài thái độ cứng rắn, cũng nên động viên trẻ làm điều tốt, kiểm tra xem trẻ có làm tốt điều được yêu cầu không, khen thưởng khi trẻ tiến bộ. Từ đó, trẻ sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình, đồng thời điều chỉnh cảm xúc, cách sống.