Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rốt ráo đòi nợ bảo hiểm xã hội

Thu Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 6 tháng đầu năm, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn TP Hà Nội lên đến 2.467 tỷ đồng, chiếm 5,69% kế hoạch thu. Dù ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp đòi nợ, nhưng hiệu quả chưa như mong đợi. Trong thời gian tới, liên ngành thanh tra về công tác BHXH Hà Nội sẽ tiếp tục cuộc chiến này với kỳ vọng, giảm nợ đọng BHXH, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Nợ khủng
Theo BHXH Hà Nội, 5 đơn vị có tỷ lệ nợ cao nhất TP bao gồm Mê Linh, Hà Đông, Thanh Trì, Đông Anh, Nam Từ Liêm. Trong thời gian qua, đoàn liên ngành TP về công tác BHXH đã thanh tra 2.119 đơn vị sử dụng lao động với số tiền nợ 397 tỷ đồng, thu hồi được hơn 218 tỷ đồng. Đoàn liên ngành cũng xử phạt 11 đơn vị chậm đóng BHXH với số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng.

Tại hội nghị mới đây về giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN do UBND TP Hà Nội tổ chức, đại diện nhiều DN nợ tiền bảo hiểm đưa ra đủ nguyên nhân như: Bị nợ đọng từ các công trình, dự án nên kéo theo nợ bảo hiểm; gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh; tình trạng công nhân chuyển việc, nghỉ việc nên chưa thể chốt sổ BHXH… Đại diện các DN đề nghị cơ quan BHXH tạo điều kiện, ưu tiên tách đóng, chốt sổ BHXH cho NLĐ chấm dứt hợp đồng, chuyển công tác; đồng thời, có biện pháp khoanh nợ, giảm lãi suất nợ...

Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho rằng, BHXH TP xác định, thu hồi nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN là nhiệm vụ trọng tâm, cơ sở để giải quyết các chế độ cho NLĐ. Về lãi suất nợ bảo hiểm, từ năm 2016, cách tính lãi đã được thay đổi theo hướng giảm nhẹ cho DN. Việc tính lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN đã có quy định cụ thể tại Điều 5, Thông tư số 20/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính được thực hiện với công thức chung trên cả nước. Vì vậy, cơ quan BHXH TP không có thẩm quyền thay đổi. Cũng theo ông Hòa: “Cơ quan BHXH TP sẽ tiếp tục phối hợp tìm giải pháp để cùng DN xử lý vấn đề nợ đọng bảo hiểm. Tuy nhiên, các DN cần đặt quyền lợi NLĐ lên hàng đầu, cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan BHXH theo đúng quy định của pháp luật”.

Khó đòi

Đề cập đến những khó khăn trong công tác thu hồi nợ BHXH, đại diện Liên đoàn Lao động huyện Ứng Hòa cho rằng, sự phối hợp giữa các ngành chức năng của huyện chưa được thường xuyên, chặt chẽ. Việc kiểm tra phát hiện vi phạm còn ít, chưa đưa ra chế tài xử phạt nên thiếu tính răn đe. Đặc biệt, một số DN, đơn vị sử dụng lao động vẫn xem nhẹ công tác BHXH, BHYT nên còn tình trạng trốn đóng bảo hiểm, hoặc nợ đọng, chây ỳ, mượn vốn làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động.

Đại diện phòng LĐTB&XH quận Nam Từ Liêm cũng cho rằng, ngoài những nguyên nhân trên, còn do người lao động hiểu biết chính sách BHXH chưa đầy đủ, ít có đấu tranh khi chủ sử dụng lao động vi phạm pháp luật về BHXH. Thậm chí một bộ phận người lao động chỉ quan tâm đến nguồn thu nhập hiện tại được hưởng, sợ bị trích mất một phần lương để tham gia BHXH nên sẵn sàng thỏa hiệp với chủ sử dụng lao động, trốn đóng BHXH, BHYT.

Theo Phó Giám đốc BHXH TP Đàm Thị Hòa, việc đòi nợ BHXH thực sự khó khăn, nguyên nhân do nhiều DN kinh doanh khó khăn, hoạt động cầm chừng. Số DN giải thể, ngừng hoạt động có chiều hướng tăng, trong khi đó việc xử lý nợ BHXH, BHYT đối với các DN giải thể, ngừng hoạt động chưa có quy định, hướng dẫn giải quyết của pháp lý. Ngoài ra, việc chấp hành quy định về BHXH, BHYT của nhiều chủ sử dụng lao động không nghiêm túc, chưa có trách nhiệm chăm lo cho người lao động mà tìm cách trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN dẫn đến quyền lợi người lao động không được đảm bảo. Công tác đôn đốc, thanh, kiểm tra các đơn vị, DN nợ BHXH của một số nơi chưa sâu sát, quyết liệt.

Đề nghị xử lý hình sự

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động về các chế độ BHXH, BHYT, BHTN, các ngành chức năng của Hà Nội đã thống nhất phối hợp thực hiện các biện pháp thu nợ.

Trung tá Đỗ Anh Ngọc - Đội phó đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, Công an quận Long Biên cho biết, trong 6 tháng đầu năm, công an quận đã phối hợp với BHXH quận kiểm tra 45 DN nợ BHXH 3,93 tỷ đồng, và thu hồi được 3,27 tỷ đồng. Trong thời gian tới, công an quận sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra các DN có dấu hiệu vi phạm điều 216 Bộ luật Hình sự để có biện pháp xử lý. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Lê Đình Hùng cho rằng, để giảm tỷ lệ nợ BHXH xuống dưới 2% không chỉ là trách nhiệm của BHXH mà trách nhiệm của các ngành liên quan. Về phía Liên đoàn Lao động TP sẽ chú trọng tăng cường hơn việc tuyên truyền để DN, người lao động trách nhiệm hơn trong việc tham gia BHXH.

Nhằm rốt ráo đòi nợ, Giám đốc BHXH TP Nguyễn Đức Hòa đề nghị Công an TP và Công an các quận, huyện, thị xã tiếp nhận hồ sơ các đơn vị, DN nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN do cơ quan BHXH chuyển để điều tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật. Đề nghị Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội xem xét, xử lý hình sự đối với những đơn vị, DN vi phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. Liên đoàn Lao động chỉ đạo Công đoàn cơ sở khởi kiện các DN nợ đóng BHXH nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Ngoài ra, ông Hòa cũng đề nghị Cục Thuế Hà Nội khi thực hiện thanh, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế, kiểm tra các DN khai báo đã đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động để đưa vào chi phí hợp lý giảm trừ thuế nhưng thực tế chưa đóng BHXH, BHYT, BHTN.