Ngân hàng RBC Capital Markets đã điều chỉnh dự báo giá dầu cao hơn do chịu ảnh hưởng từ một loại các yếu tố, gồm: Việc cắt giảm nguồn cung của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ và những rủi ro địa chính trị, như tình trạng hỗn loạn ở Libya và căng thẳng đang diễn ra ở Venezuela.
Theo phân tích của RBC Capital Markets, giá dầu thô Brent và WTI sẽ lần lượt đạt trung bình 75 USD và 67 USD/thùng trong những tháng còn lại của năm 2019. Trước đó, ngân hàng này dự báo giá dầu Brent ở mức 69,50 USD/thùng và dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ đạt ngưỡng 61,30 USD/thùng trong năm nay.
“Chúng tôi nhận thấy những ảnh hưởng từ căng thẳng địa chính trị có thể đẩy giá dầu tăng mạnh, thậm chí nhiều khả năng vượt ngưỡng 80 USD/thùng trong một số thời điểm vào mùa hè này”, các nhà phân tích chiến lược Michael Tran, Helima Croft và Christopher Louney của RBC lưu ý.
Bên cạnh đó, xung đột giữa Mỹ và Iran cũng có thể làm tăng giá dầu khi Tổng thống Mỹ Donald Trump xem xét mở rộng các lệnh trừng phạt Iran.
Giá dầu Brent và dầu WTI đã tăng lần lượt 32% và 40,5% kể từ đầu năm nhờ việc cắt giảm 1,2 triệu thùng dầu/ngày của OPEC và các đồng minh, lệnh trừng phạt đối với Iran và Venezuela, và cuộc xung đột đang leo thang ở Libya.
Chốt phiên giao dịch ngày 12/4, giá dầu Brent đạt mức 71,78 USD và dầu WTI chạm ngưỡng 64,79 USD, chứng kiến mức cao nhất kể từ đầu tháng 11.
Tuy nhiên, RBC cảnh báo sức tiêu thụ dầu mỏ của thế giới phần lớn đang phụ thuộc vào Trung Quốc và Ấn Độ, là 2 nơi hiện chiếm gần 55% sức tăng trưởng của nhu cầu dầu mỏ.
Sản xuất dầu mỏ ở Venezuela sụt mạnh khi các lệnh trừng phạt kinh tế góp phần khiến cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị trở nên tồi tệ hơn. Đồng thời, chính phủ Mỹ dự kiến sẽ siết chặt các lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ Iran vào tháng 5.
"Mất điện liên tục khiến hoạt động sản xuất ở Venezuela bị gián đoạn hơn nữa, ghi nhận giảm 290.000 thùng/ngày trong tháng 3 xuống còn 732.000 thùng/ngày. Trong khi đó, sản xuất tại Iran ổn định ở mức 2,7 triệu thùng/ngày, nhưng nước này có thể tiếp tục bị ảnh hưởng nếu Mỹ giới hạn khối lượng xuất khẩu của họ", theo phân tích của ngân hàng Jefferies Bank.
Báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) chỉ ra rằng lượng tồn kho dầu giảm mạnh trong tháng 2, đây có thể là một yếu tố khác góp phần làm tăng giá dầu. Tuy nhiên, RBC cảnh báo sức tiêu thụ dầu mỏ của thế giới phần lớn đang phụ thuộc vào Trung Quốc và Ấn Độ, là 2 nơi hiện chiếm gần 55% sức tăng trưởng của nhu cầu dầu mỏ.
OPEC và các đồng minh sẽ gặp nhau vào tháng 6 để quyết định có nên gia hạn thỏa thuận giảm sản xuất hay không. Nếu vấn đề nguồn cung tiếp tục leo thang, sản xuất có thể tăng từ tháng 7, mặc dù Ả Rập Saudi sẵn sàng duy trì việc cắt giảm sản xuất.
Trong khi đó, số lượng giàn khoan dầu và khí đốt của Mỹ giảm 8 giàn trong tuần kết thúc ngày 10/4 xuống còn 1.090, theo S&P Global Platts Analytics. Cụ thể, giàn khoan dầu giảm 10 giàn xuống còn 867, trong khi các giàn khoan hướng khí đốt tăng từ thêm 1 lên 220.
RBC Capital Markets hy vọng, 14 nước thành viên OPEC sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tại cuộc họp chính sách vào tháng 6 tới nhằm tránh kịch bản giá dầu chạm ngưỡng 80 USD/thùng.