Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rủi ro nền kinh tế còn lớn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Điểm nút quan trọng nhất của tình trạng nền kinh tế hiện nay vẫn là nợ xấu và nợ công, bởi nó gắn với lưu thông vốn cho nền kinh tế.

Sáng nay (28/4), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì khai mạc Diễn đàn kinh tế mùa Xuân năm 2014 với chủ đề “động lực phát triển mới từ cải cách thể chế”.

Đây là diễn đàn để các chuyên gia đánh giá lại tình hình kinh tế, chính sách vĩ mô của năm 2013 và đưa ra những khuyến nghị chính sách cho năm 2014. Những đánh giá từ Diễn đàn này sẽ là đầu vào quan trọng để Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (UBKT) có ý kiến đánh giá bổ sung việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013 và triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014.

 
Diễn đàn diễn ra tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh trong 2 ngày 28 và 29/4/2014
Diễn đàn diễn ra tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh trong 2 ngày 28 và 29/4/2014
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UBKT của Quốc hội dẫn đánh giá của Bộ KHĐT, cho biết: Đến nay tình hình KT-XH cơ bản không có nhiều thay đổi lớn. Dù vậy, tình hình cơ bản phù hợp, trong đó một số lĩnh vực đạt kết quả tích cực hơn. “Nói như thế thì nhìn chung nền kinh tế sáng hơn”- ông Giàu nhấn mạnh.

Còn theo Nghị quyết số 23/2013 của Chính phủ, ông Giàu cho biết: KT-XH quý I/2014 có nhiều chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, tạo điều kiện để phấn đấu đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, Nghị quyết 23 cũng đề cập nhiều khó khăn, như: Tổng cầu tăng chậm, tăng trưởng tín dụng thấp, giải ngân vốn xây dựng cơ bản chậm, chưa giải quyết căn cơ nợ xấu, doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể còn cao; thị trường bất động sản chưa diễn biến rõ nét, thị trường xuất khẩu nông sản gặp khó khăn…

Ông Giàu khẳng định, đến nay, đây là những báo cáo chính thống về tình hình kinh tế nước ta năm 2013 và đầu 2014. Từ đó, đề nghị Diễn đàn cần đánh giá rõ thêm tình hình KT-XH năm 2013 và đầu 2014. Đặc biệt, các chuyên gia, các nhà kinh tế cần tập trung phân tích, đánh giá những sự khác biệt, và cần đề xuất những giải pháp căn cơ cho phát triển KT- XH năm 2014 và các năm tiếp theo. Đây là căn cứu quan trọng để trình Chính phủ và Quốc hội có những quyết sách phù hợp”.

PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh: Nền kinh tế phải trả giá rất nhiều để có thành tích tăng trưởng như vậy. Cho đến nay, xu hướng trả giá vẫn còn tiếp tục. Đó là lưu thông kinh tế vẫn còn có vấn đề, sức mua yếu, sức khỏe doanh nghiệp yếu… Xu hướng này nói lên tính vững chắc của xu hướng khôi phục. Tuy nhiên, mức độ rủi ro vẫn còn lớn vì nền kinh tế đang còn yếu, thậm chí một số khu vực sẽ còn yếu hơn.

Ông Thiên còn cho rằng, điểm nút quan trọng nhất của tình trạng nền kinh tế hiện nay vẫn là nợ xấu và nợ công, bởi nó gắn với lưu thông vốn cho nền kinh tế. Nhưng hiện nay, quan niệm về nợ xấu và nợ công còn chưa rõ ràng. Số liệu về nợ còn đang khác nhau, sai số quá lớn, chuẩn mực đo không thống nhất. Quy mô nợ còn lớn và xu hướng gia tăng nhanh. “Nền kinh tế đang yếu, thậm chí yếu hơn, dù con số nợ không đổi, thì nguy cơ sẽ tăng lên”.

Còn PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị rằng: “Lâu nay, đa phần thảo luận chú trọng đề cập đến vấn đề vĩ mô. Nay cần phải lưu ý vào cả vấn đề vi mô. Vì vĩ mô tạo ra khung khổ luật pháp, môi trường hoạt động, nhưng vi mô là sự cạnh tranh thực sự, sức mạnh thực sự của nền kinh tế. Nhưng vi mô mới là yếu tố tạo sự phá triển thực sự của nền kinh tế. Trong vấn đề về vi mô, cần đặc biệt quan tâm đến quản trị. Nếu thay đổi được quản trị vi mô, cùng với quản trị vĩ mô sẽ có thể tạo được xung lực mới cho phát triển”.

Cũng chung lo ngại cho sức khỏe của nền kinh tế, TS Cao Sỹ Kiêm, băn khoăn rằng: “Nhiều đánh giá về nền kinh tế hiện còn rất tù mù. Theo tôi, sức khỏe nền kinh tế còn quá mỏng manh, chỉ cần một vướng mắc nhỏ trong chỉ đạo điều hành chính sách là lao đao ngay”.