Nguồn cung cấp loại rượu này hầu hết là từ người dân một số xã vùng cao của huyện Trạm Tấu (Yên Bái) như Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ, Túc Đán, Làng Nhì và Tà Si Láng và một số khu vực giáp ranh với huyện Phù Yên, Bắc Yên (Sơn La). Dân nhậu Yên Bái vẫn nói đùa rằng đây là rượu… một ba tám! Nguyên do có tên gọi này bởi một số địa phương có Ban chỉ đạo 138 về phòng chống tái trồng cây thuốc phiện.
Trên thực tế, từ lâu người dân vùng cao vẫn có thói quen uống loại rượu ngâm rễ cây thuốc phiện, nhưng chỉ vài năm trở lại đây mới rộ lên phong trào uống loại rượu này. Ngay từ cuối năm 2008, đầu năm 2009, rễ cây thuốc phiện đã được người dân tộc bày bán công khai với giá từ 150.000 đến trên 200.000 đồng/kg rễ cây khô. Những bình rượu ngâm rễ cây thuốc phiện có giá từ 200.000 đến 500.000 đồng, nếu bình nào có quả thuốc phiện khô (đã chích nhựa) có thể lên đến 800.000 đồng, thậm chí 1,2 triệu đồng tùy theo dung tích từ 2 - 3 lít. Nhưng câu hỏi được đặt ra là rượu ngâm cây thuốc phiện có thực sự bổ dưỡng? Dùng loại rượu này có lợi hay hại?
Theo y dược học cổ truyền, cây thuốc phiện vị chua sáp, tính bình, có độc, vào được ba đường kinh Phế, Thận và Đại tràng, có công dụng liễm phế, chỉ khái (giảm ho), sáp tràng, chỉ thống (giảm đau) thường được dùng để chữa các chứng bệnh như ho kinh niên, đi lỏng và kiết lỵ lâu ngày, thoát giang (sa trực tràng), đại tiện ra máu, hoạt tinh, tiểu tiện nhiều lần, bạch đới (khí hư màu trắng) và các chứng đau. Thuốc phiện được xếp vào nhóm thuốc bệnh có tác dụng thu sáp, chỉ khái, bình suyễn, chứ không phải là thuốc bổ khí huyết hay bổ âm dương và càng không phải là thuốc có công năng tăng cường sinh lý cho đàn ông.
Còn theo nghiên cứu hiện đại, trong cây thuốc phiện, đặc biệt là quả, có chứa mocphin, codein, nacotin, naxein, acid meconic, acid tactric, acid citric và một ít papaverin, có tác dụng giảm đau, an thần, giảm ho, làm giãn mạch máu, gây co thắt cơ trơn đường mật, co đồng tử, dễ gây nghiện và táo bón. Thuốc phiện hoàn toàn không có ảnh hưởng trực tiếp đến nội tiết tố và cơ quan sinh dục.
Trên thực tế, từ lâu, thuốc phiện đã được dùng để làm thuốc giảm đau và an thần, nhưng là loại dược vật nguy hiểm, dễ ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh và gây nghiện. Thuốc phiện cũng là một loại cây nằm trong danh mục cây thuốc chữa bệnh, nhưng ngay trong việc dùng cho mục đích chữa bệnh cũng phải bào chế hết sức cẩn trọng mới có thể dùng chứ không thể dùng trực tiếp từ cây tươi và khi dùng phải đúng chỉ định với liều lượng nghiêm ngặt. Vậy nên, những lời quảng cáo, đồn thổi về công dụng bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lý nam giới của loại rượu ngâm rễ hoặc cây thuốc phiện là hoàn toàn không đúng và không có tính khoa học, thậm chí còn hết sức nguy hiểm. Trường hợp 6 “bợm nhậu” ở xã Bản Mù, Trạm Tấu, Yên Bái đã phải vào viện cấp cứu do ngộ độc rượu ngâm rễ cây thuốc phiện ở Bệnh viện Y học cổ truyền Yên Bái là một ví dụ điển hình. Thêm nữa, nếu uống nhiều loại rượu này thì khi thử cũng dương tính với ma túy và đây cũng là một hình thức cổ súy cho việc tái trồng cây thuốc phiện, điều mà hiện tại chúng ta đang nghiêm cấm.