Những phong tục đón Tết truyền thống mang sắc điệu riêng của các dân tộc Mông, Tày, Thái, Mường… sẽ theo chân 140 già làng, trưởng bản, nghệ nhân tiêu biểu về Hà Nội để làm nên một lễ hội Xuân đầy bản sắc.
Khai màn ngày 7/2 (tức 19 tháng Chạp năm Giáp Ngọ) và kết thúc đúng ngày “Ông Công ông Táo” 23 tháng Chạp, chương trình mang dáng dấp của một lễ hội văn hóa này “chở” theo nhiều hoạt động độc đáo. Nội dung được gọi tên trong 4 chương trình chính: Chương trình gặp mặt, chúc Tết, giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam và đại diện kiều bào Việt Nam ở nước ngoài; Giới thiệu, tái hiện các phong tục đón Tết truyền thống tiêu biểu và biểu diễn các tiết mục dân ca, dân vũ, trò chơi dân tộc, ẩm thực dân tộc ngày Tết của cộng đồng các dân tộc; Giới thiệu làng nghề thủ công truyền thống, sản vật địa phương, vùng miền các dân tộc Việt Nam; Chương trình “Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết”. Tuy nhiên, các hoạt động lại rải khắp khu làng văn hóa, đan xen trong các khu nhà của đồng bào các dân tộc. Ví như Tết Nguyên đán của dân tộc Hmông được tái hiện trong không gian nhà dân tộc Hmông, phong tục đón Tết của dân tộc Tày (Lạng Sơn) được mở ra tại nhà dân tộc Tày, nghi lễ đón Tết truyền thống của dân tộc Mường (Hòa Bình) được đặt trong không gian của ngôi nhà mang dáng dấp của dân tộc Mường… Khách đi hội ghé chân đến những không gian này còn được học quy trình làm các loại bánh đặc trưng, truyền thống dân tộc; được hòa nhịp trong các điệu dân ca, dân vũ giàu bản sắc, song cũng mang đầy tính đại chúng; được thưởng thức các món ẩm thực riêng của từng vùng miền; được mua mang về nhà các sản vật địa phương…
140 người là đại diện già làng, trưởng bản tiêu biểu, nhân sĩ trí thức, nghệ nhân của các cộng đồng dân tộc Mông, dân tộc Thái (Sơn La); dân tộc Dao (Tuyên Quang); dân tộc Tày, dân tộc Nùng (Lạng Sơn); dân tộc Mường (Hòa Bình); dân tộc Kinh (Bắc Ninh); 100 đại diện tiêu biểu kiều bào Việt Nam ở nước ngoài; khoảng 3.000 học sinh, sinh viên thuộc các trường tại Hà Nội sẽ hòa mình vào các hoạt động Tết cổ truyền tại ngôi nhà chung của các dân tộc. Họ vừa giao lưu, vừa giới thiệu văn hóa, đồng thời quảng bá những sắc màu văn hóa đang có mặt và được lưu giữ tại các vùng miền trên dải đất hình chữ S. Dù “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” là chương trình thường niên, song mỗi sắc của mùa Xuân luôn được hiện diện đậm đà và rạng rỡ hơn trong mục tiêu bảo tồn các phong tục tập quán đẹp của người Việt và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Như các nhà quản lý chia sẻ, họ đang nỗ lực tổ chức các hoạt động thiết thực góp phần cụ thể hóa các hoạt động khai thác, vận hành Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, góp phần tích cực vào công tác bảo tồn phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc Việt.
Vậy là sau phiên chợ vùng cao họp dịp Tết Dương lịch, không khí hội hè náo nhiệt nhưng chân thành và bình dị đã đặt chân đến ngôi nhà chung của các dân tộc Việt này. Đây chính là ý tưởng, cũng là con đường mà các nhà quản lý Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam đang “chỉnh lái” để phá tan bầu không khí lặng lẽ ở đây thời gian trước, đồng thời quảng bá cho ngôi làng đầy sắc màu văn hóa truyền thống Việt này.
Hội đua ngựa Bắc Hà của dân tộc Mông, Lào Cai trong chương trình ''Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc'' năm 2014. Ảnh: Chiến Công
|