Sai lầm quan niệm “vẽ đường cho hươu chạy”

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi khi xảy ra chuyện về những cô bé có thai mà không biết, phải trở thành “sản phụ” ở tuổi còn chưa kịp lớn, câu hỏi về khoảng trống kiến thức giới tính lại được đặt ra. Tuy nhiên, không phải bậc phụ huynh nào cũng sẵn sàng giúp trẻ lấp đầy khoảng trống ấy.

Đâu biết chữ “ngờ”
Một người phụ nữ bảo, chị rất hối hận vì đã không biết giáo dục con về giới tính, để đến bây giờ con gái chị chưa học hết cấp ba đã phải bỏ học vì mang bầu. Khi chị phát hiện ra, đưa con đi khám, thai đã ngoài 6 tháng, không phá được. Sau khi cô bé sinh con, bố đứa bé trốn biệt tăm. Hậu quả là anh chị vừa chăm con, vừa chăm cháu và chưa biết tương lai con gái sẽ ra sao sau cú vấp đầu đời ấy.
Ảnh minh họa.
Không riêng chị, nhiều người hiện vẫn tồn tại những suy nghĩ rằng, trao đổi, cung cấp cho trẻ những kiến thức về giới tính là "vẽ đường cho hươu chạy". Vì thế họ không bao giờ trao đổi với con về điều này. Một phụ huynh ở Hà Nội chia sẻ: "Tôi cũng thấy trao đổi với con cái về vấn đề đó là rất cần thiết nhưng tôi thấy ngại. Ngày xưa bố mẹ tôi cũng có nói với tôi về chuyện đó đâu. Thôi, đâu sẽ có đó, đến tuổi chúng tự biết hết". Thực tế, câu nói “lớn lên rồi sẽ biết” đã trở thành quen thuộc và thường trực của không ít phụ huynh khi đề cập đến chuyện tình yêu, tình dục với con. Theo một kết quả điều tra, có đến gần 30% bố mẹ không muốn nói với con về sức khỏe sinh sản vì ngại, gần 16% thấy không cần thiết, số khác sợ “vẽ đường cho hươu chạy” hoặc không biết cách, không đủ kiến thức.

Nhưng cũng do bố mẹ không quan tâm hoặc ngại trao đổi, khiến con cái mất "khả năng đề kháng", khi rơi vào những hoàn cảnh khó nói, trẻ chỉ biết làm theo bản năng. Đặc biệt, tuổi dậy thì của trẻ ngày càng sớm, chính việc thiếu kiến thức và mối quan tâm từ bố mẹ đôi khi đưa các em vào mối quan hệ yêu đương không đúng mực. Các em cũng dễ bị tấn công hoặc bị lợi dụng tình dục trong những cuộc hẹn hò. Số em gái bị xâm hại tình dục không phải là ít qua những vụ việc được đưa ra xét xử thời gian qua, trong đó, nhiều em thiếu kiến thức về giới tính hoặc hiểu biết một cách mơ hồ. Một số em kể lại mình “bị ép” trong cuộc hẹn hò, nhưng còn rất nhiều em gái khác vì bị đe dọa hoặc xấu hổ mà không kể ra những nguy cơ, những đe dọa mà mình gặp phải trong các cuộc gặp gỡ với người khác giới.

Không bao giờ là quá sớm

“Chẳng lẽ tự nhiên lại hỏi bố mẹ “chuyện ấy”, nhỡ bố mẹ lại nghĩ này nọ, sợ mình hư hỏng rồi cấm đoán linh tinh”, nhiều em chia sẻ như vậy. Và các em tự tìm kiếm kiến thức trên các kênh thông tin khác, chứ không phải từ bố mẹ, thầy cô. Tự học, tự mày mò tìm hiểu rồi làm theo đầy kích động đã và đang trở thành nguy cơ với giới trẻ. Hiện nay ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức, trong đó 70% ở độ tuổi vị thành niên. Tại Trung tâm Tư vấn sức khỏe sinh sản và Kế hoạch hóa gia đình (Bệnh viện Phụ sản T.Ư) ngày nào cũng phải tiếp nhận vài trường hợp các em gái tuổi vị thành niên tới xin “giải quyết”. Đáng báo động hơn, nhiều em ở độ tuổi 13 - 18 khi đến bác sĩ khám thì đã có thai lớn trên 12 tuần tuổi khiến việc xử lý gặp nguy hiểm cho tính mạng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc giáo dục giới tính trong nhà trường nhiều khi cũng vẫn còn sự e ngại từ chính thầy cô, họ dùng những từ bóng gió giảng dạy giáo dục giới tính và điều này khiến trẻ tò mò hơn. Mà ở độ tuổi này, sự tò mò luôn là kết cục của những câu chuyện đáng tiếc. Bởi thế, bố mẹ luôn là người gần gũi và theo sát trẻ trong từng giai đoạn trưởng thành, sẽ là nhân tố quan trọng nhất trong việc định hướng để trẻ có nhận thức, hiểu biết đúng đắn về giới tính, sức khỏe sinh sản.

Bố mẹ phải vừa là bạn, vừa là chuyên gia tâm lý, vừa là thầy thuốc của con để tư vấn và hướng dẫn, không nên cho rằng đây là “nối giáo” cho trẻ, vẽ thêm đường cho trẻ chạy, mà là chuyện không thể né tránh trong quá trình giáo dục con cái trưởng thành. Cũng theo các nhà tâm lý, trẻ được giáo dục giới tính hợp lý, khi trưởng thành sẽ biết yêu quý cơ thể, biết giữ gìn và có trách nhiệm với cuộc sống của mình. Vì vậy, chính bố mẹ cũng nên ý thức bổ sung những kiến thức về giới tính, học hỏi cách giáo dục trẻ qua báo chí, trên các phương tiện truyền thông, tham khảo ý kiến từ những nhà tâm lý, những người có kinh nghiệm. Khi đã có đủ kiến thức, hiểu vấn đề giáo dục giới tính là cần thiết cho sự phát triển hoàn thiện nhân cách của trẻ, chắc chắn sẽ thấy dễ dàng hơn khi nói với con những chuyện tưởng như khó nói từ khi trẻ còn nhỏ, tăng dần kiến thức khi trẻ lớn. Chỉ có sự tích lũy đầy đủ, trọn vẹn mới giúp trẻ không “vấp” khi bước vào đời.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần