Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sâm củ Ngọc Linh được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý

Theo TTXVN/VIETNAM+
Chia sẻ Zalo

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum cho biết Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chính thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm sâm củ Ngọc Linh.

Đơn vị tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý là Sở Khoa học và Công nghệ hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Khu vực địa lý gồm hai xã: Măng Ri, Ngọc Lây huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) và xã Trà Linh huyện Nam Trà My (Quảng Nam). 
Đoàn khảo sát vườn giống sâm Ngọc Linh. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Đoàn khảo sát vườn giống sâm Ngọc Linh. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Khu vực địa lý này thuộc khối núi Ngọc Linh ở độ cao từ 1.800 đến 2.500m nằm trên địa bàn của hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 14-18 độ C, độ ẩm từ 85-87%.

Sâm củ Ngọc Linh được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049, được bảo hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam. 

Ngoài ra, giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm sâm củ Ngọc Linh cũng thể hiện rõ tính chất đặc thù về thảm thực vật là rừng nguyên sinh; đặc thù về thổ nhưỡng, chất lượng của sản phẩm; quy trình kỹ thuật sản xuất; chế biến sâm củ (phơi khô, ngâm rượu hoặc ngâm mật ong; để tươi bảo quản được trong 10-15 ngày).

Theo bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum, việc sản phẩm sâm củ Ngọc Linh được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, mở ra nhiều triển vọng cho tỉnh Quảng Nam và Kon Tum trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường. 

Về lâu dài, có thể đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh ra thị trường trong và người nước với quy mô lớn mà không mất đi nguồn gốc địa lý, tính đặc thù về chất lượng sản phẩm, tên gọi, xuất xứ, đảm bảo củ sâm Ngọc Linh là hàng hóa chiến lược của Việt Nam nói chung và cây đặc hữu của núi rừng Ngọc Linh nói riêng.

Hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đều đang tích cực mở rộng diện tích cây sâm Ngọc Linh, trong đó tỉnh Kon Tum đã trồng được trên 180ha sâm Ngọc Linh.

Sâm Ngọc Linh được xem là cây làm giàu cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ sống trên đỉnh núi Ngọc Linh. Đến nay, tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã quy hoạch vùng trồng sâm lên tới hàng chục nghìn ha quanh núi này.