Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẵn sàng bước vào ngành công nghiệp bán dẫn

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Việt Nam, ngành công nghiệp bán dẫn được nhận định có nhiều tiềm năng tạo đột phá, thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Chính vì thế, nước ta đã tận dụng mọi cơ hội để tạo dấu ấn trong lĩnh vực này.

Cơ hội lớn

Trong hai thập kỷ qua, ngành công nghiệp bán dẫn đã thể hiện sự tăng trưởng đáng chú ý và nhất quán khi nhìn xa hơn những biến động về nhu cầu ngắn hạn. Theo thống kê của Tổ chức Thương mại Chất bán dẫn thế giới (WSTS), thị trường chất bán dẫn dự kiến sẽ hồi sinh vào năm tới. Triển vọng đến năm 2024 cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bán dẫn trên toàn thế giới, với dự đoán mức tăng 13,1%, đạt định giá 588 tỷ USD.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Samsung Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Trần Dũng
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Samsung Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Trần Dũng

Sự tăng trưởng của ngành dự kiến chủ yếu được thúc đẩy bởi lĩnh vực bộ nhớ, lĩnh vực đang trên đà tăng vọt lên khoảng 130 tỷ USD vào năm 2024, thể hiện xu hướng tăng hơn 40% so với năm trước. Hiện trên quy mô toàn cầu, ngành công nghiệp điện tử thuộc 10 ngành công nghiệp lớn nhất. Theo Gartner, năm 2023 doanh thu bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2024 - 2025, trên 15%/năm, nhất là chip GPU hiệu năng cao cho AI.

Theo CDI, quy mô thị trường công nghiệp điện tử toàn cầu được định giá hơn 3.454 tỷ USD năm 2022, dự báo đạt hơn 4.986 tỷ USD vào năm 2030. Ngành công nghiệp điện tử đang phát triển lớn mạnh - là đầu ra cho con chip. Tại Việt Nam, năm 2022, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đứng thứ 2 trong 8 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD.

Theo Báo cáo của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu công nghiệp điện tử năm 2022 đạt hơn 114 tỷ USD, đứng đầu trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm hơn 30% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đầu 2023 đến nay, các hãng điện tử lớn như Samsung, LG, Foxconn... đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam.

Các nước đang thúc đẩy liên kết kinh tế song phương và đa phương với
Việt Nam cũng như phê chuẩn các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP và EVFTA… tạo thuận lợi hơn cho thương mại và đầu tư điện tử. Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh về chuyển đổi số. Nếu như trong chuyển đổi số, dữ liệu vô cùng quan trọng thì việc làm chủ hạ tầng phần cứng, công nghệ lõi là một bước tiến xa hơn nữa, giúp Việt Nam làm chủ và giảm sự phụ thuộc vào các công nghệ trên thế giới.

Trong khi đó, Việt Nam có đầy đủ lợi thế để nắm bắt cơ hội vàng. Đó là chính sách ngoại giao cởi mở giúp nước ta có vị thế quan trọng. Bên cạnh đó, Việt Nam còn ký kết hợp tác toàn diện với nhiều quốc gia trên thế giới và nổi lên là điểm sáng thu hút đầu tư. Về địa chính trị, Việt Nam là trung tâm của Đông Nam Á, vị trí “cửa ngõ” thế giới là tài nguyên hiếm có.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Công nghệ thông tin Việt Nam - Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa, người Việt chịu khó mày mò khoa học công nghệ và rất khéo tay. Bằng chứng là rất nhiều người thích những môn học tự nhiên. Đây là những tố chất phù hợp cho việc phát triển bán dẫn.

Chính phủ dành sự quan tâm lớn với mảng bán dẫn và chủ trương đào tạo 50.000 nhân sự. Ngoài ra, quy mô thị trường chất bán dẫn Việt Nam tăng trưởng 6,69% - đến 1,94 tỷ USD từ năm 2023 – 2028, đây là cơ hội lớn. Như vậy, DN công nghệ Việt có đầy đủ: đầu ra - thị trường rộng lớn; nhân sự: nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có nền tảng tư duy toán tốt; cơ hội hợp tác: các nước đang coi Việt Nam là điểm đến mới về bán dẫn, DN có cơ hội liên kết với đơn vị nghiên cứu, đào tạo, kinh doanh uy tín trong lĩnh vực này.

Vì vậy, thời gian tới, khi Chính phủ tạo ra những hành lang pháp lý, tạo ra các thể chế tốt để thúc đẩy cho DN Việt, người Việt sẽ tạo ra những di sản công nghệ trên thế giới và tham gia vào chuỗi cung ứng chip trên toàn cầu.

Nhiều lợi thế

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2024 cũng là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn. Công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng và không chỉ có vậy đó còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30 - 50 năm tới. "Lợi thế căn bản nhất của chúng ta là người Việt Nam có gen về STEM (toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học). Mà STEM là căn bản của công nghệ bán dẫn, của thiết kế chip. Trong các lợi thế thì lợi thế gen là quan trọng nhất, chắc cũng không kém lợi thế về địa chính trị. Từ lợi thế nhân lực sẽ ra các lợi thế khác. Từ trung tâm toàn cầu về nhân lực bán dẫn sẽ dẫn tới trung tâm toàn cầu về công nghiệp bán dẫn" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ.

Phát triển công nghiệp bán dẫn là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà (như thiết bị điện tử tiêu dùng, thiết bị điện tử y tế, thiết bị điện tử công nghiệp...), nhất là khi ngành này đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sang thiết bị điện tử AI, thiết bị IoT. Công nghiệp bán dẫn cũng là cốt lõi của công nghiệp chuyển đổi số, công nghiệp chuyển đổi số là thị trường lớn nhất của chip bán dẫn. Việt Nam có tới 100 triệu dân, là một thị trường lớn, lại đang ở giai đoạn phát triển nhanh, công nghiệp hóa nhanh, chuyển đổi số nhanh, tiêu dùng điện tử nhiều, nên sẽ là một bối cảnh thuận lợi cho ngành công nghiệp bán dẫn nước nhà.

"Công nghiệp bán dẫn là một chuỗi cung ứng, một hệ sinh thái có tính toàn cầu. Chúng ta sẽ phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam trong một hệ sinh thái trong nước và toàn cầu. Vừa có tự chủ, vừa có hợp tác quốc tế. Nhưng Việt Nam vẫn phải tiến tới một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, không chỉ là một vài công đoạn. Công nghệ đang thay đổi rất nhanh, có thể còn nhanh hơn. Chỉ có một chuỗi cung ứng quốc gia đầy đủ thì mới đáp ứng được tốc độ nhanh và giá thành thấp" - Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.