Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chiếm ngôi đầu
Tháng Tư, ước tính chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chiếm vị trí thứ nhất về tăng trường với mức tăng 10,9%.
Như vậy, mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp của cả nước trong tháng Tư chỉ nhỉnh hơn 0,1% so với mức tăng bình quân chung của 4 tháng. Từ đầu năm đến nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn có mức tăng trưởng cao từ 10% trở lên. Bình quân 4 tháng mức tăng của ngành này đạt 10,1% so với đầu năm.
Một số ngành có chỉ số sản xuất 4 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đó là: Sản xuất xe có động cơ tăng 33,6%, dệt tăng 22,5%, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 21,7%, sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 20,8%, sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học tăng 18,1%, sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 17%, không kể máy móc thiết bị.
Những sản phẩm công nghiệp sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước, với mức tăng từ 20% trở lên như: Điện thoại di động tăng 89%, lắp ráp ô tô tăng 58,4%, lắp ráp ti vi tăng 41,8%, sản xuất gia công giày, dép tăng 24,7%, sản xuất thức ăn cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tăng 23,9%.
Các tỉnh thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp trong 4 tháng qua tăng cao so với cùng kỳ 2014, đó là: Thái Nguyên có mức tăng kỳ lục ở mức tăng 353,5%, đây là địa phương có nhà máy mới của Samsung đi vào hoạt động hồi đầu năm. Sau đó là Quảng Nam tăng 21,8%, Hải Phòng tăng hơn 15%, Đà Năng tăng hơn 10%. Còn lại đều có mức tăng thấp dưới 10%.
Đặc biệt 4 tháng qua, 3 tỉnh thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm, đó là: Quảng Ngãi giảm hơn 3%, Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 4,7%, Bắc Ninh giảm 24,7%.
Cùng với việc sản xuất tăng cao, thì chỉ số tiêu thụ sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng có những cải thiện đáng kể. Quý 1, hai ngành này có chỉ số tiêu thụ tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó các sản phẩm có chỉ số tiêu thụ cao đó là: Xe có động cơ tiêu thụ tăng 46,3%. Sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng hơn 40%, sản xuất kim loại tiêu thụ tăng 23,4%.
Chỉ số công nghiệp của ngành chế biến, chế tạo tăng cao cũng đồng nghĩa sử dụng lao động của ngành công nghiệp tăng. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/4 tăng 5,5% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng lao động tăng 6,4%. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sử dụng lao động tăng cao nhất với mức tăng 8,3%.
Như vậy, 4 tháng qua ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ được mức độ tăng trưởng khá ấn tượng cả về mức độ sản xuất, mức độ tiêu thụ sản phẩm. Và hầu hết đều là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp ngoài Nhà nước có tiềm lực về kinh tế và trình độ quản trị rủi ro tốt.
Cùng những doanh nghiệp đang hoạt động, từ đầu năm đến nay, cả nước có thêm 28.235 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 162.500 tỷ đồng, tăng 9,7% về số doanh nghiệp và tăng 13,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2014.
Số lượt doanh nghiệp tăng vốn trong 4 tháng là 6.834 với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 223 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 5,7 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới 4 tháng đầu năm là 427,9 nghìn người, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm 2014.
Những mảng màu còn tối trong bức tranh kinh tế
Ngược lại với sự bứt phá của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo những tháng đầu năm có nhiều doanh nghiệp đi vào hoạt động, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI thì một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất, cũng như tiêu thụ sản phẩm thấp, hoặc giảm.
Những lĩnh vực có chỉ số hàng tồn kho tăng cao so với mức tăng chung là: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 112,3%, hàng tồn kho đồ uống tăng 60,4%, xe có động cơ tồn kho tăng 50,9%, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 43,4%, trừ máy móc thiết bị. Hàng hóa thuộc lĩnh vực chế biến thực phẩm tăng hơn 29%, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan đến da tăng 22,8%, sản phẩm kim loại tăng 22,3%, các sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 20,2%.
Trong khi, doanh nghiệp FDI và khu vực kinh tế ngoài Nhà nước có mức sử dụng lao động tăng thì khu vực doanh nghiệp Nhà nước lại giảm sử dụng lao động 0,3% so với cùng kỳ.
Tuy có nhiều mới thành lập, đi vào hoạt động, song đầu năm nay vẫn còn nhiều DN gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, hoặc làm thủ tục giải thể. Cụ thể, trong 4 tháng có gần 3.250 DN giải thể, chấm dứt hoạt động, giảm 0,8% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là trên 19.000 đơn vị, tăng 4,5% so với cùng kỳ.
Hầu hết các DN giải thể, tạm dừng hoạt đồng đều là những doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế ngoài Nhà nước, như: Công ty TNHH, Công ty cổ phần, DN tư nhân.
Những DN này đều có số vốn hoạt động ít ỏi dưới 10 tỷ, quy mô nhỏ, thiếu sức cạnh tranh. Cùng với đó là trình độ quản lý của các chủ DN còn thấp, dẫn đến khó tìm kiếm, mở rộng được sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Riêng tháng Tư, cả nước có hơn 2.700 doanh nghiệp tạm dừng quay trở lại hoạt động, giảm hơn 24% so với tháng trước, nhưng số DN ngừng hoạt động tăng cao hơn với 3.670 doanh nghiệp tăng 58,5% so với tháng 3.
Nếu so với số lượng DN đóng cửa thì mức quy trở lại hoạt động là quá nhỏ. Kỳ vọng rằng, hơn 19.000 DN tạm dừng kể trên có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm được hướng đi thích hợp để quay trở lại hoạt động, góp sức vào sự phát triển chung của nền kinh tế./.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 4 vẫn chiếm vị trí thứ nhất về tăng trưởng với mức tăng 10,9%, so với tháng 3. Ảnh minh họa.
|
Hàng hóa tồn kho thuộc lĩnh vực chế biến thực phẩm tăng hơn 29% so với cùng kỳ.
|