Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sản xuất rau an toàn tại xã Chu Minh: Hướng đi mới, tăng thu nhập cho người dân

Bài, ảnh: Nguyễn Hường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ chất đất màu mỡ, các loại rau ở Chu Minh, Ba Vì luôn tươi tốt quanh năm, có chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài huyện.

Chu Minh cũng là 1 trong 3 xã, thị trấn của huyện Ba Vì thực hiện đề án “Rau an toàn” mở ra hướng đi mới cho người trồng rau ở Chu Minh ngày càng phát triển.
Hiệu quả kinh tế cao
Chu Minh là xã có truyền thống làm rau, từ cây rau giống đến rau thương phẩm. Đây cũng là một trong những xã có diện tích trồng rau lớn nhất của huyện Ba Vì với 130,71ha, cho năng suất 280 tạ/ha. Mỗi vụ, toàn xã có sản lượng trên 3.000 tấn, thu nhập bình quân gần 216 triệu đồng/ha/năm. Chu Minh cũng là một trong những địa phương cung ứng rau cho các chợ đầu mối ở khu vực lân cận như Phú Thọ, Hòa Bình, trung tâm Hà Nội… Dựa vào những điều kiện sẵn có, đúc kết kinh nghiệm từ nhiều đời để lại, trồng rau đã trở thành một nghề chính ở Chu Minh.
 Người tham gia dự án thường xuyên kiểm tra rau.
Ngày nay, khi lợi nhuận từ rau mang về cao hơn nhiều so với trồng lúa, bà con nông dân đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào từng thửa ruộng để nâng cao năng suất cây trồng. Cứ như vậy, nhờ vào việc trồng rau, nhiều gia đình ở Chu Minh đã thoát nghèo có cuộc sống no đủ. Điển hình, gia đình các anh Hoàng Tuyển Hưng và Nguyễn Đắc Thái ở thôn Chu Quyến có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, có thể xây nhà, nuôi con theo học đại học.
Tuy nhiên, nghề trồng rau ở Chu Minh còn nhỏ lẻ, tự phát nên thường bị thương lái ép giá và đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh. Hiện nay, khi nhu cầu sử dụng rau an toàn ngày càng trở nên bức thiết thì nghề trồng rau ở Chu Minh cần một hướng đi đúng đắn để sớm có thương hiệu “Rau an toàn” tạo độ tin cậy cho người tiêu dùng.
 Chúng tôi được Chủ tịch HĐQT - Giám đốc HTX nông nghiệp Chu Quyến Nguyễn Trung Dậu đưa đi thăm mô hình rau an toàn của HTX. Mô hình triển khai từ năm 2016, được quy hoạch riêng trên 3ha. Mô hình đã bắt đầu trồng thí điểm với 26 hộ tham gia sản xuất, tiếp theo sẽ nhân rộng ra 22ha. Những luống rau xanh mướt, những đường ống dẫn nước được lắp đặt tới từng thửa ruộng. Trên bờ ruộng, những thùng đựng rác thải, bao bì nilon, vỏ thuốc trừ sâu được lắp đặt theo đúng quy trình sản xuất rau an toàn mà Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đưa ra. Theo ông Dậu, ban đầu, bà con xã viên chưa nhiệt tình hưởng ứng và chưa tin tưởng hiệu quả của cây rau an toàn. Nhưng sau khi được tuyên truyền, bà con đã hoàn toàn ủng hộ, tham gia. “Đến nay, trên 3ha đã xuống giống 52 loại rau. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, thăm đồng và hướng dẫn bà con sản xuất cây rau an toàn đúng quy trình” - ông Dậu cho biết thêm.
Chung tay vì “Rau an toàn”
Để tuân thủ các bước theo quy trình sản xuất rau an toàn, mỗi hộ nông dân tham gia mô hình sẽ được cấp một cuốn sổ nhật ký đồng ruộng. Hàng ngày, tất cả những hoạt động sản xuất được ghi lại đầy đủ dù làm đúng hay sai từ thời gian bón phân, phun thuốc, nhãn hiệu thuốc sử dụng, gieo trồng giống gì, diện tích bao nhiêu… Nhật ký đồng ruộng sẽ là căn cứ để các nhóm trưởng kiểm tra, kịp thời nắm bắt được hộ nào thực hiện đúng và chưa đúng quy trình sản xuất, giúp các hộ điều chỉnh cho phù hợp.
 

Mô hình sử dụng hoàn toàn bằng thuốc sinh học.

Là một hộ dân được quy hoạch trong vùng rau an toàn của xã, chị Lưu Thị Hiền thôn Chu Quyến chia sẻ: “Khi nhận dự án, đầu tiên chúng tôi còn băn khoăn vì chưa làm bao giờ. Nhưng từ khi được hướng dẫn về cách làm, quy trình cũng như được hỗ trợ về giống và phân bón chúng tôi đã dần tin tưởng. Chúng tôi sẽ chấp hành nghiêm ngặt quy trình sản xuất rau an toàn đã được đề ra”.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Công Tiến thôn Chu Quyến cho biết cảm thấy rất vui khi được tham gia vào sản xuất rau an toàn. “Chương trình thành công thì người dân chúng tôi sẽ rất có lợi từ giá cả và đầu ra cho sản phẩm của mình. Chúng tôi sẽ không còn lo bị thương lái ép giá nữa và sản phẩm cũng được đảm bảo an toàn, tạo uy tín đối với người tiêu dùng” - anh Tiến hào hứng.
Kỹ sư nông nghiệp Phan Nhân Thành của Công ty Gia Vi, đơn vị cung cấp giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và quy trình sản xuất rau an toàn cho biết, hiện tại các điều kiện cơ bản như đất, nước, giống và kỹ thuật canh tác, nông dân xã Chu Minh đã và đang tuân thủ khá tốt theo đúng quy định mà Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đưa ra. Phía Công ty Gia Vi sẽ hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, hệ thống camera giám sát, nhật ký điện tử và nhật ký đồng ruộng để làm sao người nông dân có trách nhiệm sản xuất rau an toàn và người tiêu dùng tin tưởng hơn vào nguồn gốc của rau. Khi có sản phẩm, phía công ty sẽ hỗ trợ thu mua và sơ chế ngay tại nhà sơ chế của xã Chu Minh để cung cấp ra thị trường.
Tăng thêm giá trị thu nhập
Hiện tại, các hạng mục như nhà sơ chế rau, hệ thống đường điện 3 pha, hệ thống bể chứa nước… tại Chu Minh đã được hoàn thiện và chờ đưa vào sử dụng. Sắp tới địa phương sẽ đầu tư thêm hệ thống tưới nước cấp 3, trang bị đến từng thửa ruộng để đảm bảo những yêu cầu cần thiết trong quy trình trồng rau an toàn đã đề ra. Chủ tịch UBND xã Chu Minh Trần Đình Hảo cho biết, trong thời gian tới, Chu Minh sẽ có một số loại rau an toàn cho thu hoạch đưa ra thị trường. Mới đây, huyện Ba Vì đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện các bước đề án rau an toàn tập trung tại 3 xã, thị trấn là Chu Minh, Minh Châu và thị trấn Tây Đằng giai đoạn 2016 – 2018. Quy mô của đề án là 90ha, trong đó xã Chu Minh có 25ha. Đề án này sẽ từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế cũng như tạo động lực để thúc đẩy phát triển sản xuất và hướng đến một thương hiệu rau an toàn. Qua đó, đem đến sự tin cậy cho người tiêu dùng và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cũng như từng bước cải thiện thu nhập cho người nông dân.
Việc xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn là một hướng đi để người dân có thu nhập ổn định ngay trên mảnh đất quê hương mình. Đồng thời, việc thực hiện các vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn tại các xã Chu Minh, Minh Châu và thị trấn Tây Đằng sẽ tạo ra một chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của địa phương, tăng thêm giá trị thu nhập trên một đơn vị sản xuất. Mục tiêu của dự án là phấn đấu đạt từ 400 – 500 triệu đồng/ha/năm, tiến tới xây dựng thương hiệu “Rau an toàn” của huyện Ba Vì.
Chỉ một thời gian ngắn nữa, rau an toàn xã Chu Minh sẽ được đưa ra thị trường tiêu dùng. Đây là một hướng đi đúng đắn để rau Chu Minh có chỗ đứng trên thị trường, xây dựng được thương hiệu cũng như sự tin tưởng của người tiêu dùng, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Chu Minh có các giống rau chủ lực như cải bắp, su hào, súp nơ, cà chua, đỗ đũa, cà tím… và các loại rau gia vị khác. Đối với mô hình rau an toàn, hiện tại đã trồng 52 giống rau các loại, trong đó có ngô bao tử, rau cải xanh, bí, rau muống, cà chua, dưa chuột, cà tím và các loại rau gia vị…. Để đăng ký mua rau an toàn của xã Chu Minh, khách hàng có thể liên hệ với Chủ tịch HĐQT – Giám đốc HTX nông nghiệp Chu Quyến Nguyễn Trung Dậu qua số điện thoại 0168.776.1610.

Sau khi triển khai, các xã nằm trong đề án thực hiện các bước đúng kế hoạch. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tổ chức cho nông dân tập huấn, tham quan các mô hình lớn, các cơ sở sản xuất rau an toàn có hiệu quả; hỗ trợ kinh phí để cải thiện cơ sở hạ tầng như đường ống dẫn nước sạch, nước sạch đảm bảo đúng yêu cầu. Các sản phẩm rau an toàn làm ra sẽ được hỗ trợ giới thiệu ra thị trường, đồng thời kêu gọi các DN đến thu mua rau”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì  Nguyễn Đình Dần