Đã 20 năm trôi qua kể từ thời điểm 1996 khi Samsung, một trong những tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc và thế giới đặt chân đến Việt Nam. Cũng trong quãng thời gian trên, tổng số tiền được Tập đoàn này rót cho các dự án tại dải đất hình chữ S đã đạt tới mức hơn 14 tỷ USD. Và gần như chắc chắn số tiền trên sẽ ngày càng nhiều thêm khi Samsung đang được hưởng quá nhiều ưu đãi khi đầu tư vào Việt Nam. Tính tới hiện tại, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Samsung tại Việt Nam được thực hiện qua 5 công ty, gồm: Samsung Electronics Việt Nam (SEV), Samsung Electronics Vietnam Thái Nguyên(SEVT), Samsung CE Complex (SEHC), Samsung Vina Electronics (SAVINA) và Samsung Display Vietnam (SDV). Trong đó, SEV và SEVT là 2 DN chính, mang lại doanh thu chủ đạo cho Samsung tại thị trường Việt.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính của Samsung trong năm 2015, Tập đoàn này đã đạt doanh thu 177 tỷ USD và 16,8 tỷ USD lợi nhuận sau thuế. Trong đó, SEV và SEVT đóng góp tới 33,4 tỷ USD doanh thu và 3,1 tỷ USD lợi nhuận sau thuế. Đáng chú ý, còn số 3,1 tỷ USD này cũng tương đương với tổng lợi nhuận của 2 Tập đoàn kinh tế lớn nhất của Việt Nam là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cộng lại. Tuy nhiên nếu nhìn sang số thuế phí mà Viettel và PVN phải nộp trong năm 2015 lại vượt trội hơn cả SEV và SEVT nhiều lần. Trong năm trước, Viettel đã nộp ngân sách Nhà nước là 37.000 tỷ và con số này với PVN là 115.000 tỷ đồng. Còn theo số liệu từ cơ quan thuế, cùng giai đoạn, khoản tiền tương ứng mà SEV và SEVT lần lượt phải bỏ ra chỉ là 1.684 tỷ đồng và 950 tỷ đồng. Sự khác biệt "đáng kinh ngạc" trên có được là do Samsung đang được hưởng hàng loạt các chính sách "siêu ưu đãi" về thuế. Có thể kể đến như ưu đãi thuế suất thuế thu nhập DN 10% (trong khi DN trong nước là 20%) trong 30 năm kể từ khi hoạt động; Miễn thuế thu nhập DN trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm tới 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Rõ ràng những ưu đãi này không khỏi khiến các DN trong nước chạnh lòng khi cùng một môi trường kinh doanh nhưng bị "đối xử" quá khác biệt. Với nhiều ưu đãi hấp dẫn về thuế dành cho các DN FDI như Samsung, Việt Nam mong muốn đạt 3 mục tiêu chính: Tạo ra nhiều công ăn việc làm, hưởng lợi từ chuyển giao công nghệ và có điều kiện gia nhập chuỗi hỗ trợ toàn cầu. Tuy nhiên đến hiện tại, dường như chỉ có mục tiêu đầu tiên là đã thực hiện được, với 2 đầu mục còn lại kết quả đang ở mức cực kỳ khiêm tốn. Cụ thể, ở Bắc Ninh địa phương thu hút nhiều FDI về mảng công nghệ, chế biến chế tạo nhất, tính tới hết 2015, mới chỉ có 22 hợp đồng chuyển giao công nghệ được thực hiện. Nhưng các hợp đồng này đều được thực hiện dưới dạng chuyển giao từ công ty mẹ sang công ty con tại Việt Nam, chưa có hợp đồng nào chuyển giao từ DN FDI sang các DN trong nước. Ở địa phương khác tình trạng có khá khẩm hơn khi có chuyển giao công nghệ từ DN FDI sang các DN trong nước nhưng khi thực hiện xong hầu hết các công nghệ này đều đã lỗi thời. Thậm chí, trong một cuộc trả lời báo chí vào cuối năm 2015, trước câu hỏi “Khoảng bao lâu nữa Samsung sẽ chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cho phía Việt Nam?”, ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam tại thời điểm đó cũng chỉ cho biết ngắn gọn "việc chuyển giao công nghệ rất khó xác định mốc thời gian cụ thể". Điều này cho thấy việc DN trong nước muốn tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ DN FDI là hoàn toàn không hề dễ dàng. Còn về khía canh tham gia chuỗi cung ứng, tính tới tháng 5/2016, đã có 190 DN Việt tham gia chuỗi sản xuất của Samsung. Mặc dù con số này không phải nhỏ nhưng chủ yếu DN trong nước đều tham gia vào các công đoạn có giá trị gia tăng kém như sản xuất bao bì, vỏ hộp, in ấn... còn các mảng có lợi nhuận tốt như sản xuát chi tiết đòi hỏi kỹ thuật và độ chính xác cao lại gần như vắng bóng DN Việt. Nói về Samsung, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, mặc dù đây là một nhà đầu tư lớn vào Việt Nam nhưng các ưu đãi dành cho họ cũng đang ở mức "quá đáng". Hiện tại Samsung đang phải đối mặt với sự cạnh tranh hết sức gay gắt từ phía DN Trung Quốc, nếu Samsung bị đối thủ vượt lên thì Việt Nam cũng chịu tác động mạnh. Quá phụ thuộc vào xuất khẩu của Samsung đã và đang đem lại lợi ích cho Việt Nam nhưng đây cũng sẽ là gánh nặng nếu hãng này mất lợi thế cạnh tranh. Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định, lệ thuộc vào DN FDI là rất nguy hiểm với Việt Nam. Giả dụ nếu DN FDI chuyển đến một quốc gia khác có nhiều ưu đãi hơn Việt Nam điều này sẽ khiến nền công nghiệp trong nước bị tác động mạnh, kéo theo đó là xuất khẩu cũng như GDP cũng bị giảm theo. Đặc biệt trong bồi cảnh Việt Nam đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do nếu không thận trọng sẽ chỉ có DN FDI được hưởng lợi trong khi DN trong nước lại chẳng được bao nhiêu, bà Lan cảnh báo.
Lợi nhuận và thuế của Samsung tại Việt Nam đang ở 2 thái cực đối lập rõ rệt |
Theo thống kê, mức xuất siêu của Samsung Vietnam đang tăng vọt theo từng năm. Nếu như năm 2013 chỉ ở mức 3,9 tỷ USD, thì sang năm 2014 đã là 6,5 tỷ USD và nhảy vọt lên 11,1 tỷ USD vào năm 2015. Hãng cũng đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khi trong năm 2014 đã đạt 26,3 tỷ USD và hơn 30 tỷ USD trong năm 2015. Cũng trong năm 2015, dự án Samsung Display Việt Nam có số vốn đầu tư tăng thêm 3 tỷ USD là dự án đầu tư lớn nhất trong năm. |