Trước đó, ngày 22/10, các quan chức chính phủ Somalia thông báo cướp biển Somalia đã thả 26 thuyền viên trong vụ cướp tàu FV Naham 3 tại một vùng biển gần quần đảo Seychelles (Ấn Độ Dương) hồi tháng 3/2012. Các thuyền viên này đến từ Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Indonesia, Đài Loan và Việt Nam. Trao đổi với báo chí, Tổ chức Chương trình hỗ trợ con tin (thuộc Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc - UNDP) cho biết đã bố trí khách sạn và nơi ăn ở cho các thuyền viên. Ngày 24/10, tất cả thuyền viên sẽ được đưa đi kiểm tra y tế. Theo đại diện Chương trình hỗ trợ con tin, mọi thuyền viên đều trong tình trạng "chấp nhận được, về cơ bản là ổn".
Đến sáng nay (25/10), Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania (kiêm nhiệm Somalia và Kenya) đã hoàn thành các thủ tục cần thiết để giúp các thuyền viên nói trên trở về Việt Nam, sau 4 năm bị cướp biển Somalia bắt cóc cùng 23 thuyền viên khác thuộc tàu FV Naham 3 trên biển Ấn Độ Dương . Từ 12 giờ trưa nay, người thân của ba thuyền viên đã có mặt tại sân bay Nội Bài để đón những người thân trở về. Khoảng 13 giờ 55 phút, chuyến bay KQ 870 từ Nairobi chở 3 thuyền viên gồm Nguyễn Văn Hạ, Nguyễn Văn Xuân (cùng 35 tuổi, ở Hà Tĩnh) và Phan Xuân Phương (27 tuổi, ở Nghệ An) đã hạ cánh an toàn, sớm hơn dự kiến và các thuyền viên đang làm các thủ tục check-out ra khỏi sân bay. Khi về tới Hà Nội, sức khỏe và tinh thần của các thuyền viên đều ổn định. Cả ba thuyền viên đã được Bộ Ngoại giao đón, khám sức khỏe tại Bệnh viện Tràng An và sau khi làm các thủ tục cần thiết, ba thuyền viên sẽ được trở về gia đình vào ngày 26/10. Gia đình thấp thỏm ngóng tin con4 năm nay, người nhà của ba thuyền viên Nguyễn Văn Hạ, Nguyễn Văn Xuân (27 tuổi, trú phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và Phan Xuân Phương (35 tuổi, trú xã Nghĩa Yên, Nghĩa Đàn, Nghệ An) liên tục gửi đơn tới nhiều cơ quan chức năng cầu cứu, nhờ tìm tung tích người thân. Các gia đình cho biết, ba thuyền viên đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, làm việc trên tàu Naham và bị hải tặc Somalia bắt giữ đầu năm 2012, yêu cầu đưa số tiền chuộc rất lớn mới được thả.
Chị Lệ - Vợ thuyền viên Nguyễn Văn Hạ và cậu con trai chưa từng thấy mặt cha xúc động đợi ở sân bay Nội Bài. Ảnh: Vnexpress.net |
Chị Bùi Thị Lệ, vợ thuyền viên Nguyễn Văn Hạ cho biết gia đình nhận được điện thoại của anh Hạ gọi về báo đang ở khách sạn tại Somalia tối 22/10. Trên Vietnam+, bà Lê Thị Hương mẹ chị Lệ kể lại: “Hai vợ chồng nó có 3 đứa con, trong đó con trai út chưa một lần nhìn thấy mặt cha. Hạ bắt đầu đi xuất khẩu lao động được 13 ngày, ngày đầu tiên nó ra biển cũng là ngày con gái tôi đẻ cháu Vinh, đây là lần đầu tiên cháu được gặp cha.” Cách nhà bà Thủy hơn 10 km là nhà chị Nguyễn Thị Quỳnh, vợ thuyền viên Nguyễn Văn Xuân. Chị Quỳnh cho hay, Công ty Vinamotor (đơn vị đưa các thuyền viên đi xuất khẩu lao động) đã thông báo cho gia đình biết anh Xuân được cướp biển thả về trong đợt này. "Chồng tôi cũng trực tiếp điện về nhà. Nhiều năm qua gia đình sống trong thấp thỏm, nay thì đếm từng ngày đợi anh ấy về", chị Quỳnh xúc động.Chia sẻ trên báo Dân trí, ông Phan Xuân Linh (SN 1945, trú tại xã Nghĩa Yên, Nghĩa Đàn, Nghệ An), bố của thuyền viên Phan Xuân Phương xúc động: “Hơn 4 năm qua, chúng tôi luôn phải sống trong lo âu, sợ hãi, sợ điều bất trắc cho thể xảy ra với con mình. Giờ thì có thể thở phào được rồi, con tôi sống rồi. Hai đêm nay, vợ chồng chúng tôi không ngủ được, mong ngóng sớm được đoàn tụ với thằng Phương”. Năm 2011, anh Phan Xuân Phương (SN 1989, con thứ 3 của ông Linh) đi xuất khẩu lao động tại Malaysia. Công việc của Phương là làm thuyền viên trên tàu câu cá ngừ với mức lương 300 USD/tháng. Công việc suốt ngày lênh đênh trên biển nên Phương chỉ gọi được về gia đình 2 lần khi tàu cập đất liền. Cú điện thoại thứ 3 của anh Phương gọi về nhà là vào khoảng tháng 5/2012. Trong cuộc điện thoại thứ 3, anh Phương cho biết thuyền trưởng bị cướp biển bắn chết còn anh và các thuyền viên khác đang bị xích, bọn cướp đòi 60.000 USD tiền chuộc mới thả người, nếu không nộp tiền chuộc chúng sẽ giết chết các thuyền viên. Sau đó anh Phương có gọi về nhà 2 lần nữa rồi mất liên lạc từ cuối năm 2012 tới nay. Ông Linh nhiều lần tìm tới công ty xuất khẩu lao động, các cơ quan chức năng cầu cứu. Đến tháng 7/2013, gia đình nhận được thông báo của công ty xuất khẩu lao động cho biết, phía chủ tàu ngừng trả lương cho thuyền viên kể từ tháng 4/2013. “Sau khi nhận được thông báo này, đã có lúc tôi mất hết hi vọng. Nhiều đêm không ngủ được vì không biết tính mạng con như thế nào trong tay bọn cướp biển”, ông Linh nhớ lại.Nghẹn lòng khi được đoàn tụ với gia đìnhTrả lời phỏng vấn báo Vnexpress, thuyền viên Nguyễn Văn Hạ nói: “Đặt chân xuống Nội Bài tôi xúc động đến nghẹn lòng, bao nhiêu năm chờ đợi giờ cũng được về nhà. Tôi chỉ muốn nói lời cảm ơn mọi người!”.
Sau 4 năm bị bắt cóc, thuyền viên Nguyễn Văn Hạ lần đầu được bế con trai thứ ba của mình. Ảnh: Vnexpress.net |
Được gặp lại cha tại sân bay, gương mặt thuyền viên Phan Xuân Phương (35 tuổi, Nghĩa Đàn, Nghệ An) chưa hết vẻ thất thần. Khi được hỏi cảm giác trở lại quê hương, anh ngập ngừng: "Tôi rất vui".Ông Đỗ Tuấn Anh, Trưởng phòng bảo hộ công dân Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao Việt Nam) cho biết trong suốt hai tuần vừa qua Cục Lãnh sự, Đại sứ Quán Việt Nam tại Tanzania và Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) đã làm việc không kể ngày đêm để đưa các thuyền viên về. Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania đã cử người sang Kenya tiếp nhận và hỗ trợ các thủ tục liên quan.“Ngay sau khi khám sức khỏe cho các thuyền viên, chúng tôi đã chuẩn bị vé máy bay để họ bay về nước từ tối hôm qua. Chiều nay, cả ba thuyền viên đã đến sân bay Nội Bài an toàn trong điều kiện sức khỏe tốt. Chúng tôi rất xúc động, chúc mừng 3 thuyền viên và xin chia sẻ niềm hạnh phúc của ba gia đình đón con em trở về, ” ông Đỗ Tuấn Anh chia sẻ. Trao đổi với báo chí về kế hoạch trước mắt hỗ trợ cho các thuyền viên, ông Đoàn Mạnh Cường - Giám đốc Công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam - Vinamotor cho biết, ngay sau khi các thuyền viên trở về, công ty sẽ cho các thuyền viên kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe để có biện pháp hỗ trợ về tâm lý. Về việc trả lương, hỗ trợ cho các thuyền viên này, ông Cường nói: “Hiện tại, chúng tôi chưa xác định được số ngày làm việc cuối cùng của các lao động với phía đối tác Đài Loan. Việc tiền lương và tiền hỗ trợ sẽ được xem xét, tính toán sau khi hoàn thành các thủ tục tiếp nhận 3 thuyền viên về Việt Nam”.