Chiều 22/10, tại nhà Liệt sĩ Trung tá Nguyễn Cao Cường (thôn Nam Sơn, xã Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã chật kín người, ai nấy cũng đều đỏ hoe mắt đợi anh về.
Bà Nguyễn Thị Hoài (60 tuổi, hàng xóm) nghẹn ngào cho biết: “Từ khi nhận được tin Cường mất, chúng tôi đã có mặt ở đây. Mấy ngày qua, nhìn 3 mẹ con nó ai cũng trào nước mắt. Ông trời thật bất công với gia đình nó quá”.
Ngồi thất thần bên di ảnh con, ông Nguyễn Khắc Dương (66 tuổi, bố anh Cường) đã ở cái tuổi xế chiều đang phải nhận cảnh “ đầu bạc tiễn đầu xanh”, khi đứa con trai kiên cường luôn làm ông tự hào đã mãi ra đi.
Nhớ lại cuộc gọi cuối cùng với con, ông Dương rưng rưng nước mắt cho biết, khoảng 20h, tối 17/10, Cường có gọi về nói hôm nay con hơi mệt bố ạ. Tình hình trong này rất nguy cấp, các tuyến đường ở đây không đi được nữa, con phải ngủ để ngày mai tiếp tục cứu dân. Tối đó, tôi cứ trằn trọc không ngủ được, thương con nhưng việc nước đành động viên con mình ráng hoàn thành nhiệm vụ rồi về nghỉ ngơi, ngờ đâu đó là lần nó nghỉ mãi mãi.
“Đến sáng hôm sau, nhận được tin vụ sạt lở đất xảy ra tại Sư đoàn 337 đóng tại Quảng Trị, đất đá đã làm sập nhà và vùi lấp 22 người trong đó có con trai tôi, nó là người thứ 7 được tìm thấy”, ông Dương nghẹn ngào nói.
Trên khuôn mặt khắc khổ, chốc chốc lại quay đi dấu những giọt nước mắt chực tràn trên đôi khóe mắt nhăn nheo, ông Dương cho biết thêm, khoảng 7 ngày trước, hai cha con còn tâm sự, sau chuyến công tác này nó về sẽ sửa lại nhà để mùa mưa năm nay không bị dột nước. Đó cũng là lần cuối cùng hai cha con ngồi nói chuyện.
Theo người thân của anh cho biết, Trung tá Nguyễn Cao Cường kết hôn với cô giáo Nguyễn Thị Hoa (giáo viên Trường Tiểu học Cương Gián 1), họ có với nhau hai người con là Nguyễn Minh Huyền (lớp 8) và Nguyễn Minh Tiến (12 tuổi). Vì bận công tác xa nhà, từ khi lấy vợ sinh con, mỗi năm anh chỉ có thể về thăm nhà được đôi ba lần.
Vừa phải nhận cảnh mất mẹ, mất anh, chị Nguyễn Thị Hoa (vợ anh Cường) dường như ngã gục, gào khóc trong vô vọng khi hay tin chồng mình cũng ra đi mãi mãi. Ít ai biết được chỉ trong vòng 15 ngày, chị đã phải đeo lên đầu 3 chiếc khăn tang. Mẹ ruột lâm bệnh vừa mất chưa đầy 15 ngày thì anh trai phát bệnh ung thư cũng qua đời. Chưa kịp đeo khăn tang cho anh trai, chị lại nhận được tin chồng mất.
Mấy ngày qua, tang thương đã bao trùm lấy căn nhà chật hẹp này, nay lại càng ảm đạm hơn bởi tiếng khóc nghẹn ngào của bà Dương Thị Tạo (66 tuổi, mẹ anh Cường), “Hai đứa con nhỏ rồi ai chăm sóc đây con, sao con nỡ bỏ vợ con mà đi,…”.
Linh cữu của Liệt sĩ Trung tá Nguyễn Cao Cường được đồng đội đưa về đến quê nhà trong chiều tối ngày 22/10, hàng ngàn bà con chòm xóm đã có mặt xếp thành hai hàng dài để chia sẻ đau thương cũng như đón anh trở về. Anh sẽ được mai táng tại nghĩa trang xã Cương Gián.
Trước đó, vụ sạt lở đất kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng ngày 18/10 tại bản Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), khiến 22 cán bộ, chiến sĩ trong đó có Liệt sĩ Trung tá Nguyễn Cao Cường của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 thuộc Quân Khu IV bị vùi lấp dẫn đến tử vong. Đến chiều 19/10, thi thể cuối cùng trong tổng số 22 quân nhân bị vùi lấp đã được tìm thấy.
Sáng ngày 22/10, lực lượng quân đội, gia đình cùng rất đông người dân đã đến Nhà thi đấu Đa Năng tỉnh Quảng Trị ở TP Đông Hà để tiễn biệt 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn kinh tế quốc phòng 337.