Nhiều DN cho biết đang thua lỗ nghiêm trọng và mong muốn các cấp ngành chức năng có biện pháp hỗ trợ thiết thực để DN sớm ổn định kinh doanh.
"Nhà mới" còn bộn bề
Tại cuộc họp, hầu hết các DN đều cho biết, sau gần 3 tháng chuyển về Bến xe Nước Ngầm, lượng hành khách vẫn quá thấp trong khi các chi phí tại bến này cao hơn rất nhiều so với các bến khác khiến DN lâm vào cảnh thua lỗ nghiêm trọng. Đại diện cho các DN vận tải Thanh Hóa, Giám đốc TNHH Hà Sơn Hải Trần Hữu Quảng bày tỏ: “Không biết do vị trí không đắc địa hay vì lý do gì mà Bến xe Nước Ngầm không thu hút được hành khách. Bên cạnh đó, các loại phí quá cao, nhiều điều khoản hợp đồng gây khó khăn cho nhà xe”.
Một vấn đề khác là 2 Bến xe: Nước Ngầm, Giáp Bát quá gần nhau, tỷ lệ trùng lặp tuyến cao, khiến các DN gặp thêm nhiều khó khăn khác. Trong các cuộc đối thoại trước, Sở GTVT Hà Nội, Bộ GTVT cũng đã khẳng định sẽ sớm có phương án xử lý vấn đề này, điều chỉnh để các tuyến đi mỗi tỉnh, TP chỉ có ở một bến xe, nhưng chưa thể thực hiện được. Đại diện các DN cũng tiếp tục nêu kiến nghị về tình trạng xe “dù”, xe khách trá hình, đội lốt “xe hợp đồng” vận chuyển khách liên tỉnh gây nhiễu loạn thị trường vận tải khách, ảnh hưởng nặng nề đến nguồn sống của DN làm ăn chân chính.
Trả lời kiến nghị của các DN, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang cho hay, hiện nay, các ý kiến của DN đã được Bộ GTVT thống nhất với TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ từ ngày 7/3. “Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng của TP đang tích cực kiểm soát, xử lý tình trạng xe “dù”, xe khách “trá hình” để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh vận tải” – ông Quang thông tin. Trước mắt, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các DN nghiêm túc chấp hành các quy định về kinh doanh vận tải và chủ trương sắp xếp luồng tuyến đã được Bộ GTVT và TP thống nhất, đồng thời chờ ý kiến chỉ đạo tiếp theo của Chính phủ.
Cần giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Theo báo cáo số liệu của 2 bến xe: Nước Ngầm và Mỹ Đình, tình hình lưu lượng hành khách cũng như nhu cầu đi lại của người dân tại các bến xe trước và sau điều chuyển có sự thay đổi rõ rệt trên một số tuyến. Đặc biệt các tuyến có lượng khách giảm mạnh như: Hà Nội - Nam Định giảm 20%; Hà Nội - Thanh Hóa giảm 71%. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền cho hay, vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kiến nghị để Bộ GTVT có ý kiến với UBND TP Hà Nội cho phép bán vé tại Bến xe Mỹ Đình đối với các tuyến đã điều chuyển sang Nước Ngầm. “Tuy nhiên, do thời gian khảo sát ngắn và gấp nên số liệu phân tích chung theo tỉnh. Nếu thực tế nếu đi sâu vào từng tuyến cụ thể vẫn còn có sự chênh lệch đáng kể giữa trước và sau khi điều chuyển về số lượng khách bình quân trên mỗi chuyến xe” - bà Hiền nhận định.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng kiến nghị UBND TP Hà Nội bố trí xe buýt riêng để đưa khách từ Bến xe Mỹ Đình đến Bến xe Nước Ngầm; đề nghị Bến xe Nước Ngầm có biện pháp hỗ trợ, giảm giá dịch vụ xe ra vào bến cho các DN vận tải mới điều chuyển trong thời gian một năm. Việc điều chỉnh luồng tuyến theo hướng tất cả các tuyến đi mỗi tỉnh, thành chỉ về một bến xe duy nhất cũng cần sớm hoàn thành ngay trong tháng 3 này. Để siết chặt tình trạng “xe dù, bến cóc”, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cũng kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với TP Hà Nội chỉ đạo lực lượng chức năng địa phương lập chiến dịch rà soát từng tụ điểm và xử lý quyết liệt vi phạm xe “dù”, bến “cóc”, xe khách “trá hình”, dừng đỗ đón trả khách sai quy định trên địa bàn TP. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, chừng nào lỗ hổng về quản lý xe hợp đòng dưới 10 chỗ ngồi còn chưa được vá thì khó lòng xử lý được dứt điểm vấn nạn xe khách “trá hình”. Về vấn đề này, Bộ GTVT cần nhanh chóng đưa ra đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện ngay trước khi xe “dù” hạ nốc ao các DN làm ăn chân chính.