Phá vòng luẩn quẩn
Ngày 24/10, Tổng cục Thống kê đã công bố CPI tháng 10 tăng 0,11% so với tháng 9, tăng 3,23% so với cùng kỳ năm 2013.
CPI tháng 10 và 10 tháng 2014 được nhận diện dưới nhiều góc độ khác nhau. Ở góc độ thứ nhất là CPI 10 tháng 2014 tăng thấp nhất trong 11 năm qua, thấp rất xa so với CPI bình quân của cùng kỳ trong 10 năm trước đó (8,87%). Ở góc độ thứ hai, từ diễn biến của 9 tháng trước và lường định các yếu tố tác động trong những tháng còn lại, Chính phủ đã dự kiến CPI cả năm 2014 tăng dưới 5%. Với CPI tháng 10 tăng thấp như trên và các yếu tố tác động trong những tháng còn lại không khác mấy như các tháng trước, khả năng CPI cả năm còn tăng thấp hơn nữa (có thể chỉ dưới 4%).
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tại Co.opMart Hà Nội. Ảnh: Việt Hùng
|
Nếu dự báo trên là đúng thì CPI năm 2014 có 5 điểm nhấn đáng lưu ý: Tăng thấp nhất trong 11 năm qua. Lần đầu tiên sau nhiều năm, CPI tăng thấp hơn tăng GDP; Liên tục tăng chậm lại trong 3 năm nay, không còn lặp lại chu kỳ "một năm tăng thấp, 2 năm tăng cao" của thời kỳ 2004 - 2011 (là một biểu hiện của vòng luẩn quẩn "tăng trưởng - lạm phát - suy giảm - nới lỏng - lạm phát"); Vượt kế hoạch đề ra (7%); Cùng với tăng trưởng kinh tế cao hơn, cán cân thương mại, cán cân thanh toán có số dư…, CPI đã góp phần vào kết quả kép của năm 2014. Ở góc độ thứ ba, lạm phát thấp đã mang lại niềm vui cho nhiều chủ thể trên thị trường. Đối với người tiêu dùng, do lạm phát thấp mà sự mất giá của đồng tiền thấp hơn.
Với cùng một mức thu nhập, thì sức mua có khả năng thanh toán của người dân không bị sụt giảm nhiều. Và nếu thu nhập tăng, mức sống thực tế sẽ được cải thiện… Người sản xuất, kinh doanh có điều kiện vay dễ tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng hơn, do tăng trưởng tín dụng cao lên, với lãi suất thấp hơn; có thể tranh thủ mua, nhập khẩu khi giá thế giới còn tăng thấp, thậm chí còn giảm, để đón lõng tăng trưởng phục hồi… Các nhà hoạch định chính sách vĩ mô có thể yên tâm hơn với lạm phát để tập trung cho việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
Cơ sở để tạo những thay đổi về chính sách
Kết quả kiểm soát lạm phát từ đầu năm đến nay có được do nhiều nguyên nhân. Bên cạnh những nguyên nhân lâu nay được coi là tích cực, như quan hệ cơ bản giữa sản xuất và sử dụng GDP, ổn định tỷ giá để không làm tăng cao giá hàng nhập khẩu khi tính bằng VND và ổn định tâm lý, ổn định lòng tin vào đồng tiền quốc gia… Tuy nhiên, có 2 yếu tố cần quan tâm. Sau thời gian thắt chặt tín dụng trong những tháng đầu năm, dư nợ tín dụng gần đây tăng cao nên tính chung 9 tháng tăng cao hơn cùng kỳ năm trước. Song do phần mua trái phiếu Chính phủ không nhỏ, nên phần đầu tư trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh không lớn. Tốc độ tăng dư nợ tín dụng cho một số ngành, lĩnh vực còn thấp hơn tốc độ tăng chung (7,26%) như nông nghiệp, nông thôn (trừ lúa gạo), chương trình tín dụng chính sách, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN vừa và nhỏ.
Trong khi tổng cầu tăng thấp, thì số DN giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động tiếp tục nhiều và tăng (9 tháng có 48.000 DN, tăng 13,8%); tỷ trọng đầu tư của DN tư nhân trong nước và dân cư giảm từ 37,6% năm 2013 xuống còn 36,2% năm 2014; lương tối thiếu không được tăng.
Như vậy, sau 3 năm liên tục tăng thấp, đã đến lúc Chính phủ cần xem xét tính khả thi của dự kiến CPI tăng 5% trong kế hoạch năm 2015. Mặc dù tổng cầu vẫn còn thấp, khi tỷ lệ vốn đầu tư/GDP năm tới thấp xuống (30% so với 30,1%), lương tối thiểu có thể không tăng khi chưa xác định được nguồn; trong khi tăng trưởng kinh tế cao lên (6,2% so với 5,8%)… Khi đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn thì phải nới lỏng hơn chính sách tài chính - tiền tệ. Điều này sẽ làm cho lạm phát cao hơn. Nhưng nếu tiếp tục theo đuổi kiềm chế lạm phát sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế.