Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

SCIC nhắm mục tiêu đạt 22,5 tỷ USD tổng giá trị tài sản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 19/10, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập.

Qua 10 năm triển khai thoái vốn Nhà nước, bình quân vốn Nhà nước tại các DN mà SCIC quản lý đã giảm từ 36% xuống còn 22% hiện nay. Việc bán vốn Nhà nước tại hơn 800 DN cho doanh thu 9.243 tỷ đồng, cao hơn giá trị sổ sách tới 5.360 tỷ đồng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của SCIC
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của SCIC
Trong lĩnh vực đổi mới và phát triển DN, SCIC giữ vai trò là cơ quan quản lý Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN. Tính tới cuối tháng 9/2015, SCIC đã đôn đốc thu Quỹ đạt 100.000 tỷ đồng và thực hiện chi trả kịp thời, góp phần thúc đẩy hoạt động tái cơ cấu DN.

Sau 10 năm hoạt động, SCIC đã bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước, các chỉ tiêu tăng trưởng liên tục. Tổng lợi nhuận sau thuế lũy kế trên 30.000 tỷ đồng. So với thời điểm thành lập: Doanh thu tăng 65,4 lần, vốn chủ sở hữu tăng gấp 9,5 lần, tổng tài sản tăng gấp 13,8 lần (đạt khoảng 70.000 tỷ đồng, chưa bao gồm tài sản Nhà nước ủy thác quản lý); nộp ngân sách Nhà nước tăng 41 lần.

SCIC hiện đang quản lý 230 khoản vốn Nhà nước với tổng giá trị sổ sách là 17.000 tỷ đồng có giá thị trường ước gần 78.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt khoảng 35.000 tỷ đồng.

Trong 5 năm tới và tầm nhìn tới năm 2030, SCIC lần lượt đặt mục tiêu thành nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ trong và ngoài nước và trở thành tập đoàn đầu tư tài chính có quy mô lớn trong khu vực. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 40%/năm để tới năm 2020 đạt quy mô tổng tài sản 22,5 tỷ USD và năm 2030 sẽ là 46 tỷ USD (bao gồm cả tài sản do Nhà nước ủy thác).