Ngày 13/4, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị phổ biến Luật An toàn thông tin mạng (ATTTM) nhằm đưa nội dung của bộ luật này tới các tổ chức, DN và cá nhân có liên quan. Đây được đánh giá là căn cứ pháp lý đầy đủ nhất nhằm bảo vệ lợi ích của các nhân, DN cũng như quốc gia trên môi trường mạng tại Việt Nam.
Được xây dựng từ năm 2011 nhưng phải đợi tến cuối năm 2015, Luật ATTTM mới được thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Với 8 Chương với 54 Điều, Luật ATTTM quy định rất rõ ràng về quyền cũng như trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, DN trong việc bảo đảm ATTTM cũng như định hướng phát triển nguồn nhân lực về ATTTM.
Đặc biệt, đây cũng là một trong những quy phạm pháp luật đầu tiên áp dụng cho cả các cá nhân, tổ chức nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động ATTTM tại Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng các văn bản dưới luật cũng như hướng dẫn triển khai chi tiết hơn. Song song với đó là phổ biến rộng rãi tới các đối tượng có liên quan sao cho luật có thể mau chóng đi vào thực tế và được áp dụng đúng nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng.
Luật ATTTM là bước khởi đầu để hoàn thiện khung pháp luật về an toàn thông tin, phát huy tối đa các nguồn lực để bảo đảm ATTTM, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, DN tại Việt Nam, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Thanh Hải cho rằng, Luật ATTTM được ban hành sẽ giải quyết được nhiều yêu cầu về đảm bảo ATTTM không chỉ cho cá nhân, tổ chức mà còn rộng hơn là an ninh quốc gia. Không những thế, luật cũng tạo cơ sở để phát huy các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm đảm bảo an toàn thông tin mạng qua đó giảm thiểu tối đa thiệt hại mà cá nhân, tổ chức có thể gặp phải trong môi trường mạng.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng: Luật ATTTM sẽ bảo vệ quyền lợi của người dùng trên môi trường mạng. (Ảnh: Hà Thanh)
|
Theo các đơn vị về bảo mật thông tin mạng, trong năm 2015, Việt Nam đã ghi nhận hơn 30.000 sự cố an ninh mạng. Tính riêng, từ tháng 1 - 9/2015 đã phát hiện 18.085 website bị nhiễm mã độc và lây lan mã độc đến các máy tính trong mạng, trong đó có 88 website, cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước; 7.421 vụ tấn công thay đổi giao diện, trong đó có 164 website, cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước. |