Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ bớt đi những nỗi buồn

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tưởng như những bàn luận xôn xao, những đề xuất, kiến nghị về việc cộng điểm ưu tiên vào đại học, đặc biệt đối với khối ngành y đã khép lại, thì tại Hội nghị hội đồng Hiệu trưởng các trường Đại học Y, Dược Việt Nam được Bộ Y tế tổ chức cuối tuần qua, vấn đề này lại “nóng” hơn bao giờ hết.

Những câu chuyện buồn, những trăn trở, thất vọng khi những trường hợp 29,15 điểm  vẫn trượt đại học (ĐH), còn 25,75 điểm lại trúng tuyển vì được cộng điểm ưu tiên là nỗi băn khoăn nhất đối với những người làm công tác đào tạo ngành y. Thực tế, tại trường ĐH Y Hà Nội, trong 500 thí sinh trúng tuyển năm 2017, ngoài 27 em được tuyển thẳng chỉ có 21 em được tuyển từ  “điểm thật”. Còn lại, các thí sinh đều trúng tuyển nhờ có điểm cộng ưu tiên. Có lẽ chưa bao giờ mà các thí sinh thuộc khu vực 3 lại phản đối việc cộng điểm dữ dội như đợt tuyển sinh năm 2017. Nhiều em tức tưởi, chua xót khi chỉ thiếu 0,05 điểm và không đáp ứng được tiêu chí phụ của ĐH Y Hà Nội. Thậm chí có em cảm giác như gục ngã trước “cánh cổng thiên đường” khi điểm thực cao nhưng đành ngậm ngùi chọn nguyện vọng khác. Còn phụ huynh cũng như dư luận xã hội tỏ ra thất vọng tột cùng khi người tài lại trượt mất cơ hội được học ở một ngành đặc biệt – cứu người – ngành mà đáng ra chỉ dành cho những người giỏi thật sự.
Với nhà trường thì sao? Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội đã phải thốt lên, kỳ tuyển sinh năm nay là cú sốc đối với nhiều trường, đặc biệt đối với trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam khi trong danh sách trúng tuyển y đa khoa hoàn toàn vắng bóng học sinh chuyên sinh của trường. Tương tự, tại Hội nghị hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH Y, Dược Việt Nam, nhiều lãnh đạo các trường đào tạo ĐH Y, Dược trên cả nước đều lên tiếng, cần xem lại điểm cộng vào khối ngành y, dược. Rằng, mức điểm cộng này đã được quy định từ lâu, lúc mà điều kiện sống giữa thành thị và nông thôn còn tồn tại khoảng cách quá lớn. Rằng, quy định này hiện không còn phù hợp và đang tạo ra sự bất bình đẳng giữa các thí sinh. Rằng, với một ngành nghề đặc biệt như ngành y, liên quan đến sức khỏe, mạng sống con người, rất cần những người giỏi thật sự. Rằng, thay vì cộng điểm, Nhà nước nên có những chính sách ưu tiên khác như miễn, giảm học phí… cho những trường hợp đặc biệt, lo đầu ra, phân bổ nhân lực hợp lý...
Trước những bất hợp lý này, tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức hội nghị để cùng với các tỉnh, thành bàn sâu hơn về chính sách ưu tiên trong tuyển sinh. Và, người dân có quyền kỳ vọng, mùa tuyển sinh những năm tiếp theo, sẽ bớt đi những nỗi buồn, sự xót xa, thất vọng và cả những cú sốc bất ngờ, bởi những cú sốc ấy luôn khiến dư luận bị… tổn thương.