Liên tiếp những ngày gần đây, khắp các trang mạng xã hội, người dân thảo luận sôi nổi về tên gọi “ga tàu thủy Bạch Đằng” và “ga tàu thủy Thủ Thiêm” tại TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, đa số các ý kiến cho rằng từ "ga" thường dùng cho hoạt động hàng không, đường sắt chứ chưa bao giờ thấy dùng cho hoạt động đường thủy, bến xe. Do đó việc đặt tên "ga tàu thủy" là không phù hợp, xa rời thực tế, sẽ gây khó khăn cho người dân trong việc ghi nhớ và gọi tên.
“Với người Việt xưa nay, nơi đưa đón hành khách đi đường sông, đường biển, đường bộ… đều gọi là bến như: bến Bính (Hải Phòng), bến Xanh (Ninh Bình), bến xe Mỹ Đình, bến xe Gia Lâm, bến xe Nước Ngầm; bến xe miền Tây, bến xe miền Đông, bến xe Tây Ninh, bến xe Cần Thơ và bến Chương Dương, bến Hàm Tử, bến Nhà Rồng, bến Ninh Kiều…tất cả đều dùng từ “bến”. Vậy tại sao phải “đẻ” ra cái gọi là “ga tàu thủy” làm gì, rất gượng gạo” – tài khoản mang tên Cù Mai Công nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, tài khoản Xuân Lợi cũng cho rằng, trước nay người dân thường chỉ nhắc đến “trên bến dưới thuyền”, không ai gọi “trên ga dưới thuyền”, do đó chỉ có từ “bến” là phù hợp.
Phần đồng các ý kiến không đồng tình về cách đặt tên ga tàu thủy Bạch Đằng, ga tàu thủy Thủ Thiêm, vì người dân Sài Gòn đã quen với cách dùng từ “bến” trong giao thông đường thủy, chỉ nơi dừng, neo đậu của ghe tàu. Hơn nữa, Bến Bạch Đằng đã là một cụm từ quen thuộc, mang tính văn hóa.
Ngay sau những phản ứng không đồng tình của dư luận, chiều ngày 29/2, ông Nguyễn Kim Toản - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thường Nhật (chủ đầu tư tuyến buýt sông số 1) cho biết, doanh nghiệp luôn cố gắng giữ tinh thần cầu thị và sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến đóng góp từ cộng đồng.
"Khi lập đề án, cụm từ ga tàu thủy được tư vấn đề xuất đặt tên. Lúc đó không thấy ai góp ý gì nên chúng tôi đã sử dụng. Tuy nhiên, đến nay khi nhận được sự góp ý của cộng đồng là hợp lý, công ty sẽ ngay lập tức có sự điều chỉnh cho phù hợp” - ông Toản nói và khẳng định, hiện toàn bộ các bảng tên đã tháo gỡ cụm từ ga tàu thủy, Công ty TNHH MTV Thường Nhật đang tổ chức thi công chữ bến, sau đó sẽ đổi tên hàng loạt các biển thành Bến tàu Thủ Thiêm, Bến tàu Bạch Đằng.
“Trong hôm nay, chúng tôi sẽ thực hiện điều chỉnh, thay đổi bảng hiệu "ga tàu thủy" thành "bến tàu" tại các bến đón, trả khách của tuyến buýt sông số 1” – ông Toản nói thêm.
Được biết, các ga tàu thủy còn lại đang được xem xét việc thay đổi tên gọi thành bến tàu để đồng bộ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Bến tàu Bạch Đằng được đưa vào khai thác năm 2017. Đây là nơi dừng, đỗ của nhiều phương tiện giao thông đường thủy, tàu du lịch tại TP Hồ Chí Minh. Kể từ khi khai thác, bến tàu trở thành điểm đến quen thuộc của người dân và du khách khi đến TP Hồ Chí Minh. trải nghiệm buýt sông, buýt sông 2 tầng, cano du lịch… Chỉ riêng buýt sông, mỗi ngày Saigon WaterBus đón và phục vụ hơn 4.000 khách. Do lượng khách có nhu cầu trải nghiệm và đi lại cao, nên khách phải đặt mua trước mới có vé lên tàu.
Tuyến buýt sông số 1 có lộ trình dài 10,8 km, được đưa vào khai thác từ năm 2017. Toàn tuyến có 12 bến đón, trả khách. Đây là loại hình vận tải công cộng đường thủy được TP Hồ Chí Minh kỳ vọng góp phần làm đa dạng hóa loại hình giao thông, giúp kéo giảm tải ùn tắc ngày càng trầm trọng trên đường bộ.
Hiện nay, mỗi ngày tuyến phục vụ từ 3.000 - 3.500 lượt hành khách; riêng hai ngày cuối tuần, lượng khách đi đạt 5.000 - 7.000 lượt.