Đây là một trong những điểm nhấn quan trọng của Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 vừa được Chính phủ ban hành. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng các Bộ, ngành có liên quan đưa ra phương án giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với lao động trong một số lĩnh vực như: Công nghệ thông tin thuộc lĩnh vực công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp...
Ngoài ra Bộ Tài chính cũng sẽ chủ trì trong việc rà soát các quy định pháp luật về đất đai theo hướng điều chỉnh giảm tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chi phí khác của DN. Rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT, đánh giá và đề xuất mức điều chỉnh hợp lý để giúp DN giảm chi phí, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải. Bộ này cũng được giao xử lý nợ chậm nộp cho DN gặp khó khăn khách quan. Nghiên cứu, đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa cũng như thực hiện bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, chặt chẽ, duy trì mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, nhất là DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng. Đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nâng cao năng lực thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn tín dụng. Về phần Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thực hiện rà soát, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phù hợp với năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh của DN và nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Ngoài ra cũng đề xuất chế độ bảo hiểm xã hội hợp lý, hài hòa lợi ích của người lao động, DN và xã hội để doanh nghiệp thích ứng và sử dụng lao động phù hợp. Đối với Bộ Công an được giao chủ trì đề xuất sửa đổi quy định về trình tự, thủ tục, điều kiện để kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy theo hướng đơn giản hóa, bảo đảm minh bạch, đáp ứng đủ điều kiện theo yêu cầu chuyên môn. Đi đôi với đó là loại bỏ những quy định, điều kiện hạn chế cạnh tranh, tạo điều kiện để mọi DN tham gia cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực này. Nghị quyết 35 đề ra mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48-49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp khoảng 30-35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5% một năm. Hằng năm, có khoảng 30-35% DN Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Giảm thuế thu nhập cá nhân sẽ một trong những yếu tố chính thúc đẩy mạnh lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam |