Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ làm rõ sự việc quần áo cứu trợ biến thành giẻ lau

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Sáng nay, đoàn kiểm tra do đồng chí Đỗ Đình Tân, Trưởng ban kiểm tra Trung ương hội làm trưởng đoàn đã vào Nghệ An kiểm tra, làm rõ sự việc quần áo cứu trợ biến thành giẻ lau", ông Đoàn Văn Thái, Phó chủ tịch Hội chữ thập đỏ Việt Nam cho biết

KTĐT - "Sáng nay, đoàn kiểm tra do đồng chí Đỗ Đình Tân, Trưởng ban kiểm tra Trung ương hội làm trưởng đoàn đã vào Nghệ An kiểm tra, làm rõ sự việc quần áo cứu trợ biến thành giẻ lau", ông Đoàn Văn Thái, Phó chủ tịch Hội chữ thập đỏ Việt Nam cho biết

- Khi nhận được thông tin quần áo cứu trợ ở Nghệ An bị biến thành giẻ lau, cảm giác của ông thế nào?

- Chúng tôi được biết thông tin này vào sáng qua. Đây là lần đầu tiên Trung ương hội để xảy ra hiện tượng này. Tôi cảm thấy bàng hoàng và buồn ghê gớm. Từ khi miền Trung có lũ, Trung ương Hội đã kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ đồng bào mình trong cơn hoạn nạn. Có những gia đình cả bố mẹ, con cái đều đem quần áo, mỳ tôm đến ủng hộ. Chưa bao giờ trụ sở Hội lại đông đúc như vậy. Có người chỉ có vài bộ quần áo, có người dăm ba cân gạo, nhưng đó là tấm lòng của người dân đối với bà con vùng lũ. Có thể những đồ họ quyên góp chưa thật tốt, nhưng đó tình cảm, là tấm lòng của bà con, đều đáng trân trọng.

Từ khi miền Trung gặp nạn, những người của Hội đã đi vào từng thôn xóm, cùng bà con chống chọi với lũ dữ. Cờ của Hội chữ thập đỏ cắm ở thuyền chưa bao giờ khô nước. Bao nhiêu công sức xây dựng Hội, chỉ vì sự việc đáng tiếc này mà uy tín giảm sút, lòng tin của người dân đối với Hội bị sứt mẻ. Chỉ mong người dân hãy nhìn sự việc bằng con mắt độ lượng, công bằng và vị tha.

- Sau khi nhận được tin, Trung ương hội đã có chỉ đạo gì cho Hội chữ thập đỏ Nghệ An?

- Chúng tôi đã gọi điện ngay cho Hội chữ thập đỏ Nghệ An yêu cầu giải trình sự việc, giải thích rõ tại sao lại để xảy ra tình trạng này, sau đó gửi báo cáo ngay bằng văn bản.

Sáng nay, đoàn kiểm tra do đồng chí Đỗ Đình Tân, Trưởng ban kiểm tra Trung ương hội làm trưởng đoàn đã vào Nghệ An kiểm tra, làm rõ sự việc. Sau đó chúng tôi sẽ có những biện pháp giải quyết nghiêm khắc nhất.

Rút kinh nghiệm từ Nghệ An, chúng tôi cũng đã gọi điện ngay cho tất cả Hội chữ thập đỏ tại các tỉnh miền Trung nêu rõ sự việc và rút kinh nghiệm. Khi nhận được hàng cứu trợ, Hội chữ thập đỏ địa phương nhất thiết phải làm đúng quy trình mới được đưa về địa phương. Nếu làm sai họ sẽ phải chịu mức kỷ luật nghiêm khắc. Sáng nay, công văn về việc này đã được gửi.

- Thực tế trong số quần áo cứu trợ có cái quá cũ, vậy phải xử lý thế nào thưa ông?

- Khi nhận hàng quyên góp, ủng hộ, chúng tôi đều phân loại theo quy trình. Sau khi loại bỏ những đồ kém chất lượng, quần áo mới được đóng thùng rồi chuyển đi. Riêng với những đồ bị loại bỏ, chúng tôi phải lập hội đồng xử lý, có mời công an môi trường đến kiểm định là chất lượng kém rồi mới đem đi tiêu hủy.

Hôm chuẩn bị hàng chuyển vào Nghệ An, do chưa thể phân loại hết, lại bị giục là chuyển hàng gấp ra ga nên có những thùng hàng chưa qua kiểm định. Lẽ ra, Hội chữ thập đỏ Nghệ An cũng phải làm theo quy trình, kiểm tra, chọn lọc và tiêu hủy những đồ kém chất lượng thì không xảy ra sự việc đáng tiếc này.

Từ khi có thông tin trên, nhiều ý kiến cho rằng một phần lỗi tại những người quyên góp đã đem đồ rách nát đi ủng hộ, nhưng tôi khẳng định người dân không có lỗi. Ai cũng muốn mang những đồ tốt đi biếu, nhưng có thể có những gia đình hoàn cảnh, thứ đem ủng hộ là tốt với họ rồi. Lỗi ở chúng tôi chưa chu đáo. Đây sẽ là bài học lớn đối với chúng tôi.

Sẽ làm rõ sự việc quần áo cứu trợ biến thành giẻ lau - Ảnh 1
Hội chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An đang phân loại hàng cứu trợ. Ảnh: Nguyên Khoa.

- Có một thực tế trong việc cứu trợ cho miền Trung là cơ cấu các mặt hàng chưa đồng đều dẫn đến tình trạng dù được cứu trợ nhưng dân vẫn đói, ông giải thích sao về việc này?

- Theo thông tin mà chúng tôi nhận được, hiện nay mỗi ngày có từ 200 đến 300 chuyến xe từ Hà Nội vào miền Trung cứu trợ. Điều đó có nghĩa là không phải một mình Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam làm công việc này. Hàng nghìn, hàng triệu tấm lòng nhân ái của người dân Việt Nam đang cùng hướng về miền Trung, thế nhưng có thể phương pháp làm việc của họ chưa được khoa học.

Thế nên, ngoài việc hao tốn tiền bạc cho việc thuê xe, còn có tình trạng tranh giành hàng cứu trợ, thậm chí có gia đình nhận được 66 chai nước mắm, có nhà nhận được 900 gói mỳ tôm. Năm ngoái, một chuyến xe đi cứu trợ đã có 13 người thiệt mạng. Nếu có phương pháp cụ thể, hợp lý cho từng thời điểm thì chúng ta sẽ tiết kiệm được tiền của và việc cứu trợ đồng bào miền Trung sẽ có ý nghĩa thiết thực hơn.

Đối với Trung ương hội chữ thập đỏ, khi nhận được tiền ủng hộ, chúng tôi sẽ lên kế hoạch chi tiêu số tiền ấy một cách hợp lý. Ví dụ thời kỳ đầu có thể mua mỳ tôm, đồ gia dụng..., nhưng khi lũ đã rút thì không thể bắt bà con ăn mỳ mãi mà phải có cơm. Hiện nay, chúng tôi đang lên kế hoạch mua 1.400 tấn gạo hỗ trợ cho khoảng 30.000 hộ gia đình trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, chúng tôi không cấp một lúc mà sẽ cấp dần từ nay đến Tết.

Để tạo được lòng tin đối với nhân dân, gạo của Hội mua cho nhân dân miền Trung là hàng được đảm bảo chất lượng, có cơ quan kiểm định từ khâu đấu thầu đến khi cấp phát cho người dân. Đồ đạc gia dụng cũng được kiểm tra độ độc hại, cân nặng, độ dày cẩn thận. Mặt khác, số tiền quyên góp được và quá trình sử dụng số tiền ấy cũng được Hội công khai minh bạch trên website của hội.

Hội chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông phát động tháng nhắn tin chung sức vì đồng bào miền Trung, từ 15/10 đến 15/11. Người dân ủng hộ bằng cách soạn tin nhắn với cú pháp: UH gửi 1405 (10.000 đồng/SMS) hoặc UH gửi 1409 (18.000 đồng/SMS). Ông Thái thông tin, sau 3 tuần phát động, số tiền quyên góp được đã lên tới 13 tỷ đồng. Hội đang bàn với Bộ thông tin mua khoảng 400 tấn thóc ủng hộ đồng bào miền Trung.