Không được ứng trước ngân sách Từ việc lo ngại nợ công đến chuyện cân đối NSNN năm 2015 hết sức khó khăn, chưa bố trí được nguồn để cải cách tiền lương, các ĐB cho rằng, nguyên nhân kỷ luật tài khóa của Việt Nam quá kém, cụm từ "chi vượt dự toán" gần như lúc nào cũng xuất hiện. ĐB Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội) phát biểu, Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) chưa bao quát giải quyết tối đa bất cập của Luật hiện hành, cách quản lý thu - chi vẫn theo tư duy cũ. ĐB Lò Văn Muôn (đoàn Điện Biên) chỉ ra bất cập trong điều hành NS, đó là thực tế điều hành NS không phản ánh đúng tình hình thu - chi tài chính hàng năm. Các khoản tạm ứng, kết dư, chuyển nguồn làm năm tài chính méo mó, không biết chi bao nhiêu, thu bao nhiêu. Qua giám sát, nhiều quỹ có nguồn thu từ thuế, từ phí là những khoản thu theo quy định của Luật phải được hạch toán đầy đủ vào NSNN nhưng hiện nay vẫn đang để ngoài NS, gây khó khăn trong quản lý, điều hành của Nhà nước, làm phân tán nguồn lực quốc gia. ĐB Đinh Trịnh Hải (đoàn Ninh Bình) đề xuất, tất cả các khoản thu - chi đều phải được dự toán đưa vào NS do Quốc hội quyết định (đối với T.Ư), còn với địa phương phải do HĐND cấp có thẩm quyền xem xét chặt chẽ. Kho bạc không được chi bất cứ khoản gì khi chưa có ý kiến của Quốc hội và HĐND. Về quy định cho phép ứng trước NSNN năm sau, nhiều ĐB đề nghị bỏ quy định này, như vậy sẽ đảm bảo phản ánh đúng các khoản thu, chi, bội chi NSNN thực tế phát sinh trong năm. Liên quan đến cách tính bội chi NS hàng năm, các ĐB đều đồng tình phải đưa khoản trái phiếu Chính phủ vào NS để tính. Minh bạch ngân sách T.Ư, địa phương Luật NSNN hiện hành có quy định "NS T.Ư giữ vai trò chủ đạo, NS địa phương được phân cấp nguồn thu bảo đảm chủ động thực hiện những nhiệm vụ chi được giao". Thế nhưng sau nhiều năm thực hiện, việc giải quyết những mâu thuẫn giữa chủ đạo và chủ động để nâng cao tính hiệu quả trong sử dụng NS vẫn chưa xong. ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) tỏ ra thất vọng khi Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) lần này đổi mới không đáng kể, vẫn tồn tại cơ chế địa phương và T.Ư lồng ghép, điều này dẫn đến lồng ghép trách nhiệm nhưng không minh bạch. Ông Lịch cho rằng, phải thiết kế lại, thay đổi cấu trúc để minh bạch theo nguyên tắc NS cấp nào thì cấp đó phải chịu trách nhiệm NS. Cũng chỉ ra những bất cập trong quản lý NS theo kiểu lồng ghép này, ĐB Chu Lê Chinh (đoàn Lai Châu) cho rằng, nguyên nhân chính là địa phương chưa có quyền tự chủ tài chính. "Sửa đổi các quy định về phân cấp nguồn thu, tập trung nguồn lực cho NS T.Ư nhưng phải tăng tính chủ động cho chính quyền địa phương trong việc khai thác, quản lý và sử dụng nguồn thu mang tính ổn định gắn với chức năng quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương" - ĐB Chu Lê Chinh kiến nghị. Về mức dư nợ của chính quyền địa phương, một số ĐB kiến nghị nên chia thành các nhóm, một là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hai là các địa phương cân đối được, ba là các địa phương chưa cân đối được.
Thảo luận về Luật Kiểm toán Nhà nước - KTNN (sửa đổi), các ĐB cho rằng, Luật cần làm rõ chức năng của KTNN là "kiểm tra, đánh giá, xác nhận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công" cho phù hợp với khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, các cơ quan kiểm toán tối cao và thông lệ quốc tế; khắc phục được tồn tại do đồng nhất chức năng với các loại hình kiểm toán của KTNN, đồng thời bảo đảm tính thống nhất và tương thích giữa Luật KTNN với các luật có liên quan trong hệ thống pháp luật của Nhà nước; cụ thể hóa hơn các quy định để đảm bảo tính minh bạch, tạo thuận lợi trong thực thi Luật KTNN. |