Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Siêu thị đông nghịt khách, sức mua tại chợ giảm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dự báo chung thị trường Tết năm nay, mức tăng trưởng doanh số mà các siêu thị đưa ra rất tốt, từ 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, từ tháng 2/2010 trở ra sẽ là giai đoạn mua sắm cao điểm.

KTĐT - Dự báo chung thị trường Tết năm nay, mức tăng trưởng doanh số mà các siêu thị đưa ra rất tốt, từ 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, từ tháng 2/2010 trở ra sẽ là giai đoạn mua sắm cao điểm. 

Chỉ còn hơn 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên Đán, lúc này, các hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội đã chuẩn bị xong nguồn cung hàng hóa cũng như phương án phục vụ.


Lượng khách theo đó đã bắt đầu tăng lên, trong khi tiểu thương kinh doanh hàng thực phẩm, bánh kẹo tại các chợ truyền thống đang nhấp nhổm, đứng ngồi không yên vì quá vắng khách.

Sức mua tại chợ giảm

Mô tả ảnh.
Chủ quầy đồ khô tại chợ Đồng Xuân đứng chơi đợi khách - Ảnh: N.N

“Từ sáng đến giờ mới bán được nửa cân kẹo, ngồi buồn ăn hết nhiều hơn số bán ra” là bộc bạch của chị Ngân, chủ ki-ốt bánh mứt kẹo Sinh Ngân số 102-B1 chợ đầu mối Đồng Xuân.

Vốn chuyên đổ buôn cho các mối hàng ở các tỉnh, nhưng vài năm nay, khách mua buôn ở quầy của chị Ngân giảm xuống còn lèo tèo, kinh doanh phải chuyển sang trông chờ vào người mua lẻ thì hiện tại tình hình vẫn là “chưa thấy tín hiệu gì”.

Không chỉ dãy hàng bánh mứt kẹo với các tiểu thương hai bên dáo dác ngồi chờ khách, tình hình cũng tương tự tại khu vực bán các loại thực phẩm khô.

Thấy chúng tôi đi qua, chủ quầy đồ khô Tình Nguyệt, số 81-107 B1 thản nhiên than thở: “ối giời ơi, chợ ơi là chợ, ế thế này thì làm ăn gì đây!”

Kế ngay đó, chủ quầy Tuyến Thiệp không biết lý giải sao về cảnh ế ẩm hiện tại. Chị cho biết, cùng kỳ các năm trước tình hình cũng không im lìm như thế này. Năm ngoái, mùng 5, mùng 6 tháng Chạp, khách mua buôn vào đây đã lấy vãn hàng, còn lúc này chưa thấy ai vào nhập thêm, chứng tỏ giới kinh doanh nhỏ lẻ cũng không bán được.

Nhìn dòng người đi lại khá nhộn nhịp trên phố bánh kẹo Hàng Buồm những ngày này, người ta dễ cho rằng tình hình kinh doanh sôi nổi. Song khi hỏi những người kinh doanh trực tiếp, hầu hết đều cho rằng, sức mua năm nay có lẽ chỉ bằng 1/3 của năm ngoái.

Mô tả ảnh.
Không chỉ nhu cầu mua tiêu dùng giảm sút, khác với cùng kỳ năm ngoái, hiện các giỏ quà biếu Tết trên phố Hàng Buồm cũng vắng bóng - Ảnh: N.N

Bác Nguyễn Thị Kính – chủ cửa hàng bánh kẹo, bia rượu số 111 cho biết, từ sáng đến chiều chưa bán nổi 400.000 đồng tiền hàng. “Ngày Tết mà bán như vậy thì thử hỏi ăn bằng gì. Ngay tiền thuê cửa hàng đã hết” – bác nói.

Giới kinh doanh chung quan điểm, sức mua chậm và kém hiện nay không phải bắt nguồn từ việc giá cả hàng hóa nhúc nhích tăng thời gian qua. Thực tế mỗi mặt hàng hiện chỉ tăng không đáng kể từ 3-5 giá so với các tháng trước đây, mà cái chính là thu nhập, lương, thưởng của người lao động chưa có kết hợp với thói quen mua sắm sát Tết vài năm trở lại đây. 

Thông tin từ ông Vương Trí Dũng, Phó chi cục quản lý thị trường Hà Nội, cũng cho thấy, do kinh doanh không hiệu quả, khoảng 10% các hộ bán lẻ trên phố Hàng Buồm đã và đang chuyển đổi từ mặt hàng thế mạnh là bánh kẹo, bia rượu sang kinh doanh các mặt hàng thông dụng như quần áo, giày dép…

Siêu thị tăng trưởng từ 30-40%

Đối lập với tình cảnh chợ chiều tại điểm kinh doanh truyền thống kể trên, quan sát tại các hệ thống phân phối lớn như Metro, BigC, Fivimart, lượng khách đến mua sắm Tết, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm, đồ uống đã bắt đầu tăng lên.

Mô tả ảnh.
Hàng hóa phục vụ Tết Canh Dần đã rất dồi dào tại siêu thị bán buôn Metro Thăng Long - Ảnh: N.N

Dự báo chung thị trường Tết năm nay, mức tăng trưởng doanh số mà các siêu thị đưa ra rất tốt, từ 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, từ tháng 2/2010 trở ra sẽ là giai đoạn mua sắm cao điểm. 

Trước tình hình đó, các nhà phân phối lớn đều cho biết mọi công tác chuẩn bị hàng hóa cho dịp trước, trong và sau Tết hiện đã hoàn tất.

Ngay từ tháng 10, tháng 11/2009, các đơn vị đã làm việc với các nhà sản xuất, cung cấp để chốt về số lượng, giá cả cho nên cam kết sẽ giữ giá bán ổn định, không xảy ra thiếu hàng bất kể biến động của thị trường bên ngoài.

Công tác phục vụ cũng được các siêu thị chuẩn bị rất kỹ lưỡng và chu đáo, từ việc tuyển và đào tạo thêm nhân viên, lên kế hoạch tăng ca, kíp, gia tăng thời gian mở cửa, nâng cấp cơ sở hạ tầng từ bãi đỗ xe, quầy tính tiền, thậm chí là mở rộng quy mô, đưa vào hoạt động các siêu thị mới.

Cụ thể, nếu như đợt này BigC Thăng Long đã tuyển và đào tạo thêm 100 nhân viên thì hệ thống Fivimart cho biết cũng tăng số lượng lao động thời vụ lên 20% so với cùng kỳ.

Mô tả ảnh.
76 quầy thu ngân của BigC Thăng Long đã đông nghịt khách - Ảnh: N.N

Đáng kể nhất là việc nâng cấp thêm 22 quầy thu ngân, từ mức 54 lên con số rất lớn 76 quầy tại BigC Thăng Long. Không chỉ vậy, ngày 19/1 vừa qua, hệ thống siêu thị BigC đã khai trương siêu thị thứ 2 tại Hà Nội mang tên BigC The Garden.

Tuy diện tích phục vụ chỉ bằng 1/3 diện tích của BigC Thăng Long nhưng với 24 quầy tính tiền và kinh doanh trên 20.000 mặt hàng, lãnh đạo hệ thống BigC kỳ vọng, siêu thị mới ra đời sẽ góp phần hỗ trợ và giảm tải đáng kể cho BigC Thăng Long.

Không chịu kém, hệ thống Fivimart cũng đánh dấu một năm phát triển khi đã nhanh chóng mở thêm 3 siêu thị lớn tại các trung tâm, nâng tổng số 15 siêu thị tại Hà Nội trong năm 2009. 

Rõ ràng, mua sắm thực phẩm tại các siêu thị lớn với các ưu thế hơn hẳn so với chợ truyền thống về sự văn minh, độ tiện lợi, nguồn gốc xuất xứ, giá cả niêm yết rõ ràng, hàng hóa phong phú và liên tục có các chương trình khuyến mãi hấp dẫn.

Hơn nữa, nhiều người tiêu dùng khó tính còn cho rằng, chọn mua hàng thực phẩm, đồ uống tại các siêu thị hiện đại khiến họ cảm thấy an tâm bởi từ cơ sở hạ tầng, điều kiện bảo quản đến công tác quản trị, kiểm soát chất lượng đầu vào cũng như đầu ra của sản phẩm ngày càng khắt khe. Về đặc điểm này, các mô hình kinh doanh truyền thống chưa thể làm được trong một sớm một chiều.