Đẻ thường được vẫn mổChị Lê Thị N. (Sơn Tây- Hà Nội) sức khỏe hoàn toàn bình thường, có khả năng chuyển dạ và sinh thường nhưng chị vẫn muốn đẻ mổ. "Tôi nghĩ là mổ đẻ sẽ an toàn hơn cho cả 2 mẹ con nên tôi yêu cầu bác sĩ cho đẻ mổ. Thực ra, tôi sợ đau đớn khi vượt cạn, sợ tổn thương vùng nhạy cảm, tổn thương đáy chậu" - chị N. thật thà chia sẻ. Mặc gia đình khuyên ngăn, chị N. vẫn quyết không sinh thường.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, sinh mổ là biện pháp rất cần thiết khi biến chứng xuất hiện trong quá trình sinh con như chảy máu, suy thai, vị trí thai nhi bất thường. Nhưng giống như bất kỳ ca phẫu thuật nào, sinh mổ cũng đi kèm với những rủi ro. Quá trình phục hồi của người mẹ sau khi sinh mổ cũng lâu hơn nhiều so với sinh tự nhiên. Một số nghiên cứu cho thấy, sinh mổ có thể làm tăng nguy cơ tử vong của người mẹ so với đẻ thường từ 1,6 - 7 lần. Bên cạnh đó, sau mỗi lần sinh mổ, phụ nữ có nguy cơ gặp phải các vấn đề như mang thai ngoài tử cung và thai chết lưu. Sinh mổ là một dạng đại phẫu, đi kèm với những rủi ro nên phải cân nhắc cẩn thận và chỉ nên được sử dụng khi cần thiết. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, không ít gia đình chủ động lựa chọn cách sinh mổ và đặt lịch từ trước với bác sĩ hoặc bệnh viện. "Vì đẻ mổ, đặt lịch trước nên chúng tôi chọn hình thức đẻ dịch vụ, giá cả tuy hơi cao nhưng được theo ý mình"- anh Huấn (Cầu Giấy- Hà Nội)- chồng của sản phụ vừa sinh tại một bệnh viện (BV) tư cho hay.
Theo bác sĩ Trần Trung Đạo - BV Phụ sản Hà Nội, ngày càng nhiều sản phụ yêu cầu sinh mổ (dù không có chỉ định y khoa). Có lẽ họ chưa nắm rõ cũng như chưa được tư vấn đầy đủ về các lợi ích và nguy cơ của sinh mổ với sinh thường. Quá trình sinh ngả đường dưới là hiện tượng sinh lý tự nhiên của phụ nữ mang thai khi chuyển dạ, vì vậy không có lý do gì không thuận theo tự nhiên. Sinh mổ được chỉ định một khi sản phụ không thể sinh tự nhiên hoặc có vấn đề đe dọa tính mạng mẹ và thai nhi mà phải chấm dứt thai kỳ sớm.
Ngoài vấn đề sức khỏe, chi phí cho việc mổ đẻ với đẻ thường cũng khác nhau hoàn toàn. Nếu đẻ thường chỉ mất mấy trăm nghìn thì chi phí một cuộc mổ đẻ gấp cả chục lần. Đây là một trong những nguyên nhân đã góp phần làm gia tăng tỷ lệ đẻ mổ ở Việt Nam. "Xét về mặt kinh tế, một số BV tự chủ tài chính, họ sẽ chọn phương pháp mổ lấy thai để tăng nguồn thu. Ở một số nước, chi phí sinh thường và sinh mổ bằng nhau, nên không có chuyện lạm dụng đẻ mổ vì lý do kinh tế” - Giám đốc BV Phụ sản T.Ư Trần Danh Cường cho biết.
Công tác tư vấn của ngành sản khoa chưa thống nhấtTheo nghiên cứu của các bác sĩ BV Phụ sản T.Ư, tình trạng đẻ mổ đang có xu hướng gia tăng và đã có nhiều biến chứng xảy ra. Vì vậy, ngành sản khoa khuyến cáo các bác sĩ tuyệt đối không lạm dụng mổ lấy thai, nhất là đối với các sản phụ sinh con lần đầu.
Trong cuộc khảo sát mới đây ở 122 BV công và tư nhân, chọn ngẫu nhiên tại các nước Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nepal, Philipines, Srilanca, Thái Lan và Việt Nam thì đứng đầu tỷ lệ mổ lấy thai là Trung Quốc với tỷ lệ 46%, tiếp đến là Việt Nam 36%.
Giám đốc BV Phụ sản T.Ư Trần Danh Cường cho hay, hiện nay Việt Nam chưa có con số thống kê chính thức về tỷ lệ mổ lấy thai, nhưng ông cho biết, tỷ lệ này tùy theo từng BV. Tính trung bình tại TP Hồ Chí Minh khoảng 30%, ở BV Phụ sản T.Ư khoảng 50% nhưng có những BV con số này lên đến 60%. Phân tích vấn đề này, ông Cường cho biết, nếu ở Pháp thời gian sổ thai được tính cả tiếng đồng hồ nhưng tại Việt Nam thì quy định chỉ có 30 phút, nếu quá 30 phút không sổ thì bắt buộc phải mổ bắt con.
Trong số nhiều nguyên nhân, có những gia đình bố mẹ có tiền sử thai kỳ khó khăn nên họ chủ động chọn lựa việc mổ lấy thai vì nghĩ sẽ an toàn hơn cho em bé. “Gia đình không nắm được chuyên môn, họ chọn lựa phương pháp sinh nào chủ yếu là do tư vấn của bác sĩ sản khoa” - PGS Cường thẳng thắn nhận định. Theo ông Cường, nguyên nhân gia tăng tỷ lệ mổ lấy thai là do công tác tư vấn của ngành sản khoa chưa thống nhất khiến nhiều người vẫn hiểu mổ đẻ an toàn hơn cho cả mẹ và con. Nhưng thực tế, đẻ mổ có nhiều biến chứng hơn đẻ thường.
Khi đẻ mổ, sản phụ có một vết mổ cũ trên tử cung sẽ có nguy cơ bị tai biến trong lúc mang thai và chuyển dạ nhiều hơn trường hợp đẻ thường. Người nào mổ đẻ lần đầu, trong lần đẻ tiếp theo, thường họ cũng sẽ phải mổ lấy thai. Các bác sĩ khuyên người mẹ đã có hai lần mổ bắt con không được mang thai nữa vì nguy cơ vỡ tử cung trong lần mang thai sau rất cao.
Mổ đẻ có những tác dụng phụ như mất máu nhiều hơn sinh thường, tăng nguy cơ băng huyết sau sinh. Tử cung có sẹo mổ sẽ ảnh hưởng đến lần mang thai sau. Bất cứ một cuộc mổ nào vào trong ổ bụng cũng có nguy cơ dính các cấu trúc trong ổ bụng, xuất huyết nội, nhiễm trùng vết mổ. Hơn nữa, trẻ sinh mổ không được tiếp xúc với các vi khuẩn có lợi ở mẹ, nên chậm phát triển hệ miễn dịch, chậm hình thành các vi khuẩn đường ruột có ích. Ngoài ra, trẻ sinh mổ sẽ chậm hấp thu dịch phổi hơn so với trẻ sinh thường, dễ mắc các bệnh hô hấp hơn. Tiết sữa ở sản phụ sinh mổ sẽ chậm và ít hơn so với sản phụ sinh thường.Bác sĩ Trần Trung Đạo - BV Phụ sản Hà Nội |