Đổ vỡ niềm tin?
Thị trường chứng khoán ngày 8/3 ghi nhận cổ phiếu YEG “rơi tự do” 5 phiên giao dịch liên tiếp. Dường như niềm tin của nhà đầu tư vào cổ phiếu này đang cạn dần? Ngay từ đầu phiên giao dịch, nhà đầu tư đã đặt hàng loạt lệnh bán như để “chạy làng”, khác hẳn so với trước chỉ dư mua.
Trên bảng điện tử, YEG giảm giá từ 247,90 nghìn đồng/cổ phiếu xuống còn 170,60 nghìn đồng/cổ phiếu, tức mất 31.19% giá trị. Theo dự đoán, cổ phiếu YEG sẽ khó chặn đứng đà giảm giá vì cơn khủng hoảng với Google là quá lớn. Không tính đợt giảm giá kéo dài này, lịch sử giao dịch ghi nhận trong 20 phiên gần nhất, YEG có 8 phiên giảm giá (chiếm 40%) và 12 phiên tăng giá (chiếm 60%).
Chuyện bắt đầu từ việc Google công bố lý do chấm dứt quan hệ hợp tác với mạng lưới đa kênh (MCN: Multi-channel network) Yeah1. Vì, các công ty con của Yeah1 lặp lại các hành vi vi phạm nghiêm trọng đến quy định của Google, dung túng cho các kênh Youtube có nội dung “bẩn” để kiếm tiền từ quảng cáo Google Adsense.
Theo lý giải từ Google, việc dừng hợp tác để đảm bảo sự an toàn cho người xem cũng như những nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng YouTube. Như vậy, số phận của hơn 1.500 kênh Youtube lớn nhỏ của network này sẽ như “chỉ mành treo chuông”, dù cả Google và Yeah1 đều cam kết hỗ trợ những nhà sáng tạo nội dung.
Rõ ràng để xảy ra như vậy phần lớn trách nhiệm thuộc về YEG. Vì, có lẽ YEG đã “phớt lờ” cảnh báo của đối tác chăng? Google là một tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới. Họ rất chuyên nghiệp, không thể cắt đứt quan hệ với đối tác một cách đường đột như vậy. Nhưng có nói gì chăng nữa thì rủi ro cũng đã xảy ra với YEG.
Đây có thể xem là khủng hoảng về chất lượng sản phẩm của YEG. Vì nếu xử lý không tốt, “đám cháy” sẽ lần lượt biến thành khủng hoảng marketing, khủng hoảng tài chính, khủng hoảng đầu tư, rồi khủng hoảng toàn diện…
Được biết, YEG hoạt động 2 mảng kinh doanh chính, bao gồm mảng kinh doanh truyền thống và mảng kỹ thuật số trên nền tảng YouTube và Google. Ở mảng kinh doanh truyền thống: YEG tạo ra doanh thu thông qua: Cung cấp dịch vụ quảng cáo trên 4 kênh truyền hình mà Công ty sở hữu (Yeah1 TV, Yeah1 Family, iMovie TV và UNI Channel); làm đại lý mua bán quảng cáo và bản quyền phim truyện trên 4 kênh truyền hình tự quản lý nêu trên và 12 kênh truyền hình của các đài khác mà công ty con TNT Media đang quản lý; đầu tư, sản xuất hoặc marketing cho các bộ phim chiếu rạp. Doanh thu ở mảng này chủ yếu đến từ thị trường Việt Nam.
Đối với mảng kỹ thuật số trên các nền tảng như: Youtube, Google (trừ Youtube). YEG cho biết, hiện là một trong 38 đối tác xuất bản chính thức của Google (Google Certified Publishing Partner) và là một trong 5 đối tác được khai thác tất cả các nền tảng của Google.
“Sóng gió” còn ở tương lai
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2018 của YEG cho thấy, doanh thu thuần đạt 1,658,189 tỷ đồng (tăng trưởng 97,3% so với cùng kỳ năm trước); lợi nhuận gộp là 568,930 tỷ đồng; lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là 226,830 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt trên 180 tỷ đồng (tăng 118,8%). Chỉ số lợi nhuận trên một cổ phiếu (P/E) = 40.8 lần.
YEG đặt mục tiêu của đến năm 2020: Đạt khoảng 150 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 50 triệu USD); ngành nghệ thuật biểu diễn đạt khoảng 16 triệu USD; ngành quảng cáo (trên truyền hình, đài phát thanh, báo, tạp chí, internet và quảng cáo ngoài trời) đạt khoảng 1.500 triệu USD…
Để đạt mục tiêu này, YEG phải đầu tư dài hạn cho hạ tầng, cơ sở vật chất, công nghệ… Nhìn vào cơ cấu nguồn vốn của YEG chỉ có 14% tài sản dài hạn trên tổng tài sản, 86% tài sản là ngắn hạn. Như thế sẽ là quá khó để YEG đạt mục tiêu? Nhưng đó là chuyện của tương lai.
Còn bây giờ, YEG đang tìm giải pháp để nối lại quan hệ với Google, để trấn an đối tác và các nhà đầu tư. Cụ thể, YEG đã cam kết thanh toán đầy đủ và đảm bảo quyền lợi như trong hợp đồng với các đối tác trước và sau ngày 31/3/2019, ngay cả trong trường hợp xấu nhất.
Tuy nhiên, những hành động của YEG chủ yếu là xoa dịu tâm lý hoảng loạn của các nhà cung cấp, tức là các kênh Youtube trực thuộc.
YEG chưa để tâm đến khách hàng (khán giả, lượng người xem) và các nhà đầu tư cổ phiếu YEG. Vì điều này, nhà đầu tư phải đối diện với nỗi bất an, sợ hãi, chạy theo tâm lý số đông và bán tháo cổ phiếu. Vì thế, chỉ sau 5 phiên giảm giá liên tục, vốn hóa của YEG đã “bốc hơi” khoảng 1.500 tỷ đồng. Khi đầu tư vào cổ phiếu YEG, nhà đầu tư kỳ vọng vào sự phát triển vượt bậc trong tương lai, nó thể hiện ở tốc độ tăng doanh thu và lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu. Nhưng nếu sau ngày 31/3/2019, YEG vẫn không tháo được “ngòi nổ” với Google thì hậu quả sẽ khó lường.
Trước khủng hoảng, YEG giống như cô gái đẹp trong mắt nhà đầu tư, cổ phiếu YEG cứ tăng giá vù vù, vượt hết đỉnh này đến đỉnh khác. Nhưng trong ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 này, đã không có cành hồng nào của nhà đầu tư dành cho YEG.