Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Số lượng phải song hành cùng chất lượng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoạt động của Quốc hội đã không ngừng đổi mới trong những nhiệm kỳ vừa qua, nhưng cơ cấu ĐB chuyên trách và ĐB không chuyên trách vẫn có sự “vênh” nhau đáng kể, đó là một trong những băn khoăn của không ít ĐB Quốc hội trước một nhiệm kỳ mới đang được bắt đầu bằng cuộc bầu cử.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An phát biểu tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp 11, Quốc hội Khóa XIII ngày 23/3. 	 Ảnh:  Khánh Huy
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An phát biểu tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp 11, Quốc hội Khóa XIII ngày 23/3. Ảnh: Khánh Huy
Khi đánh giá lại hoạt động của Quốc hội Khóa XIII, nhiều ý kiến cho rằng, số đông ĐB kiêm nhiệm các chức vụ trong bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể… dẫn tới sự chồng chéo, gây nên những tình huống “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong xây dựng luật hoặc ĐB quá bận công việc chuyên môn dẫn đến có nhiều ghế trống trên nghị trường tại các phiên họp. Để hạn chế tình trạng này, thời gian qua đã có rất nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục tăng số lượng ĐB chuyên trách, đồng thời giảm số lượng ĐB của các cơ quan hành pháp tại Quốc hội. Bởi theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội (có hiệu lực từ 1/1/2016), ĐB chuyên trách phải dành toàn bộ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; ĐB kiêm nhiệm dành ít nhất 1/3 thời gian làm việc trong năm để thực hiện vai trò ĐB Quốc hội. Như vậy, ĐB chuyên trách là những người gần cử tri hơn, có thời gian để lắng nghe cử tri nhiều hơn.

Theo thống kê, số lượng ĐB Quốc hội chuyên trách đã tăng dần theo từng khóa, thể hiện rõ xu hướng chuyển dần Quốc hội sang cơ chế hoạt động thường xuyên theo chủ trương của Đảng. Như Quốc hội Khóa XI có 119/498 người là ĐB chuyên trách, Khóa XII có 145/493 người là ĐB chuyên trách, Khóa XIII  là 154/500 (30,8%) và Khóa XIV đang tiến hành bầu cử, theo Luật Bầu cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND, quy định nâng số lượng ĐB Quốc hội chuyên trách lên ít nhất 35% trên tổng số 500 ĐB. Đây là con số được các ĐB Quốc hội đánh giá cao.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều ĐB cũng như người dân, tăng tỷ lệ ĐB chuyên trách nhưng phải bảo đảm được chất lượng. Phải chọn những ĐB có trí tuệ, có bản lĩnh, thực sự đại diện cho tiếng nói chính đáng của cử tri, đồng thời cũng phải có trình độ để làm luật và tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Chất lượng phải đặt lên hàng đầu.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, mỗi ĐB Quốc hội đều nắm chắc vai trò, chức năng cơ bản của Quốc hội đối với cử tri, từ đó đã phát huy và thể hiện khá đầy đủ trách nhiệm của mình một cách có thể. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta vẫn còn chưa thẳng thắn đánh giá một cách sát thực hơn, đó là vẫn còn cơ chế xin – cho, dẫn đến tình trạng một số ĐB ở địa phương thường không “dám” phát biểu vì ngại va chạm, một số ĐB thì thờ ơ, thiếu tự tin, thiếu bản lĩnh, ít đi cơ sở, không thường xuyên gặp gỡ cử tri lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri. Quốc hội hoạt động nghiêng về một số ĐB Quốc hội chuyên trách nhiều hơn. ĐB Nguyễn Thị Khá cũng đề nghị nên tăng ĐB Quốc hội chuyên trách, các ĐB ở đại diện các cơ quan chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp để tăng tính phản biện.

Theo dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần ĐB Quốc hội Khóa XIV, số lượng ĐB ở T.Ư sẽ là 198 ĐB, ở địa phương là 302 ĐB. Trong số này có 114 ĐB chuyên trách ở T.Ư, thuộc các cơ quan của Quốc hội, 67 ĐB chuyên trách ở địa phương. Như vậy, số lượng ĐB ở T.Ư tăng thêm 15 người so với Khóa XIII và đều là các ĐB chuyên trách. Cơ cấu này nhận được nhiều ý kiến đồng tình, tuy nhiên vấn đề là tổ chức hoạt động của ĐB sao cho hiệu quả và phát huy được sức mạnh tập thể. “Một trong những tiêu chuẩn được nhấn mạnh đối với ĐB nói chung là phải có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội, nghĩa là có thể sắp xếp, bố trí được thời gian cho vai trò ĐB dân cử. Vì hoạt động của Quốc hội là phải gần dân, dành thời gian để lắng nghe dân. ĐB chuyên trách lại càng phải gần dân hơn” - Đây cũng là ý kiến của ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) khi nói tới chất lượng ĐB Quốc hội.