Tăng trưởng GDP của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng năm 2016 đạt 7,57%, mức tăng khá cao, cao hơn tốc độ tăng chung của toàn bộ nền kinh tế (6,21%) và tăng cao nhất trong 3 nhóm ngành (nông, lâm nghiệp - thủy sản tăng 1,36%, dịch vụ tăng 6,98%). Điều này không chỉ góp phần quan trọng trong việc xem xét Việt Nam được gọi là nước công nghiệp hay chưa, mà còn cho thấy cơ cấu sản xuất công nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Theo đó, tỷ trọng trong toàn ngành công nghiệp của ngành khai khoáng giảm (từ 34,6% xuống còn 29,9%); của ngành chế biến, chế tạo tăng (từ 49,2% lên 52,7%). Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp đạt khoảng 143,7 tỷ USD, chiếm 81,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tăng trưởng GDP do ngành xây dựng tạo ra năm 2016 so với năm 2015 cao gần gấp đôi tốc độ tăng bình quân năm thời kỳ 2011 - 2015.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, nhóm ngành công nghiệp - xây dựng cũng có những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ. Tăng trưởng toàn nhóm ngành thấp hơn năm trước (7,57% so với 9,64%). Tăng trưởng toàn ngành công nghiệp thấp hơn tốc độ tăng bình quân năm trong 5 năm trước, trong đó của ngành khai khoáng giảm tương đối sâu, chủ yếu do bị giảm về sản lượng khai thác (than giảm 3,1%, dầu thô giảm 9,1%), về khối lượng xuất khẩu (than giảm 26,1%, dầu thô giảm 24,2%) và kim ngạch (than giảm 20,8%, dầu thô giảm 36,7%). Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp cao hơn tốc độ tăng GDP công nghiệp (7,5% so với 7,06%), chứng tỏ tỷ lệ chi phí trung gian tăng.
Chính vì thế, nhiệm vụ tăng trưởng GDP của cả nước theo kế hoạch năm 2017 cao hơn, đòi hỏi cần có những giải pháp, chính sách quyết liệt trong việc đảm bảo cho tăng trưởng công nghiệp - xây dựng phải tăng cao hơn song vẫn phải đảm bảo các yếu tố về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.