Chao đảo trên diện rộng
Chưa bao giờ các thị trường hàng hóa và tài chính lại cùng lúc biến động dữ dội như vậy. Một cơn bão mới dường như đang hình thành và có thể kéo dài, ảnh hưởng trên phạm vi toàn thế giới.
Giá vàng thế giới và trong nước khoảng một tuần qua biến động rất mạnh. Vàng thế giới liên tục lao dốc xuống dưới ngưỡng giá trung bình 200 ngày (1.272 USD/ounce) rồi ngay lập tức tăng vọt lên trên ngưỡng tâm lý 1.300 USD/ounce, có lúc lên gần 1.310 USD/ounce.
Trong nước, thị trường đã chứng kiến những phiên vàng tăng vọt gần triệu đồng/lượng trong buổi sáng rồi quay đầu giảm hơn triệu đồng ngay trong buổi chiều. Giá vàng tăng vọt từ mức 35,6 triệu đồng/lượng có lúc lên tới 37,45 triệu đồng/lượng (bán ra).
Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã được kéo lên 1,6-1,7 triệu đồng/lượng, thay vì mức chênh vài trăm đến 1 triệu đồng/lượng như trước đó.
Trên thị trường thế giới, đồng đô-la Mỹ tăng giá liên tục trong vài tuần và lên đỉnh cao gần 9 tháng so với rổ các đồng tiền chủ chốt vào cuối tháng 10 rồi bất ngờ quay đầu giảm rất nhanh trong những phiên cuối tuần qua.
Một điểm đáng ý là cú bật tăng của đồng bảng Anh sau một chuỗi ngày lao dốc xuống mức đáy 31 năm bắt đầu từ cú sụt giảm 6% trong vài phút cách đây khoảng một tháng khi Thủ tướng Anh tuyên bố sẽ kích hoạt tiến trình rút ra khỏi EU (Brexit) theo một cách thức nhanh chóng.
TTCK nhiều nơi thế giới trong khi đó liên tục lao dốc. Tính tới cuối tuần qua, chỉ số chứng khoán tầm rộng của Mỹ S&P 500 giảm phiên thứ 9 liên tiếp, đánh dấu chuỗi ngày giảm dài nhất kể từ năm 1980, hơn cả vào thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính 2008, do lo ngại về cuộc bầu cử tại nước này.
Chỉ số đo lường biến động giá các loại tài sản, từ đồng USD cho tới trái phiếu, cổ phiếu tại Mỹ cũng đã tăng 8 phiên liên tiêp lên mức cao nhất trong nhiều tháng qua. Citigroup thậm chí cảnh báo chỉ số S&P 500 có thể ngay lập tức giảm đến 5% nếu tỷ phú BĐS Donald Trump thắng cử và kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái.
Thị trường dầu mỏ chứng kiến một tuần thảm hại cùng cực sau khi thị giới đầu tư thấy những nỗ lực đóng băng sản lượng của OPEC dường như bất thành. Một số báo cáo cho thấy nguồn cung ngày càng tăng mạnh. Trong khoảng 7 phiên giao dịch, từ mức gần 51 USD/thùng, giá dầu nhanh chóng về sát 44 USD, tương đương mức giảm khoảng 13%. Một số dự báo cho rằng, giá dầu có thể thủng mốc 40 USD/thùng nếu thỏa thuận đóng băng sản lượng của OPEC thất bại.
Sự khó lường của cơn bão mới
Có thể thấy, đây là lần thứ 2 trong năm nay, thị trường tài chính thế giới rúng động. Trước đó, cú sốc Brexit và nỗi lo về hiệu ứng domino Brexit lan ra toàn cầu hồi cuối tháng 6 đã gây ra một cơn địa chấn ở trời Tây khiến giới siêu giàu thế giới mất hàng trăm tỷ USD trong một ngày và cũng đã khiến các đại gia Việt đi bay tỷ đô trên TTCK. Giá vàng thế giới khi đó tăng khoảng 100 USD/ounce. Đồng bảng Anh rớt xuống mức thấp nhất nhiều thập kỷ.
Cơn bão lần này có phần dữ dội hơn bởi sự chao đảo diễn ra trên diện rộng, trên nhiều thị trường hàng hóa và tài chính. Không những thế, những ảnh hưởng nó của nó còn chưa thể lường hết và có lẽ chỉ có thể xác định được phần nào sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào ngày 8/11.
Lo lắng tăng vọt sau khi kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, khoảng cách dẫn trước của bà Clinton so với ông Trump rút ngắn nhanh chóng trong những ngày cuối cùng trước khi cuộc bầu cử diễn ra.
Hiện tượng vàng tăng giá mạnh trong khi chứng khoán giảm mạnh là do giới đầu tư đổ xô mua vàng như một kênh trú bão truyền thống trong bối cảnh không có gì là chắc chắn ở thời điểm nước Mỹ sắp bước vào một thời kỳ mới với dự báo sẽ có những thay đổi lớn, thậm chí rất lớn về các chính sách kinh tế cũng như chính trị.
The HSBC, một chiến thắng của Trump sẽ khiến vàng tăng mạnh và nhanh lên 1.500 USD/ounce, thậm chí 1.850 USD/ounce dựa trên khuynh hướng chủ nghĩa bảo hộ, chi tiêu ngân sách tăng mạnh và rủi ro địa chính trị. Còn một chiến thắng của Clinton cũng vẫn sẽ khiến vàng đi lên dựa vào kỳ vọng lãi suất thấp trên khắp thế giới và sự hồi phục về nhu cầu vàng vật chất tại Trung Quốc cũng như Ân Độ theo sau tín hiệu ấm áp của các nền kinh tế nước này.
TTCK vốn chìm trong lo ngại trước cuộc bầu cử lại bị dìm xuống sâu hơn với những diễn biến không thuận trên thị trường dầu mỏ. Trong một dự báo mới nhất trên Reuters, Citigroup cho rằng, nỗi lo sợ của các NĐT chứng khoán tăng gấp đôi nếu ông Trump đắc cử. Theo đó, nền kinh tế có nguy cơ tăng trưởng chậm lại thậm chí suy thoái theo các chính sách hạn chế thương mại được đề cập trong chiến dịch tranh cửa của Trump.
Một số dự báo cho rằng, chỉ số chứng khoán tầm rộng của Mỹ S&P 500 hậu bầu cử có thể biến động theo các kịch bản rất khác nhau. Ngân hàng Barclays cảnh báo thị trường có thể giảm từ 11% đến 13% trong trường hợp ông Trump chiến thắng và tăng 2-3% nếu bà Hillary Clinton thắng cử.
Ở chiều ngược lại, cũng có dự báo cho rằng, sự hoảng loạn sau bầu cử có thể rất lớn nhưng sự khó đoán của cả 2 ứng cử viên tổng thống Mỹ có thể khiến các thị trường đảo chiều một cách đầy bất ngờ.
Trên thực tế, nhiều chuyên gia trong nước cho rằng, sau những cú sốc như Brexit hay sắp tới là bầu cử tổng thống Mỹ, sự sợ hãi thường quá mức cần thiết và đây là yếu tố gây ra sự rúng động trên các thị trường. Trong khi đó, một đặc trưng của thế giới hiện đại là tính bất định, tốc độ lưu chuyển (thông tin, tài chính, hàng hóa…) rất nhanh và không bền vững. Sự rủi ro và các cú sốc sẽ diễn ra thường xuyên. Điều đó có nghĩa là quản trị cũng phải thích ứng nhanh theo.